Dân Việt

GS.TS Hoàng Văn Cường: "Tăng thuế thuốc lá phải sốc để thay đổi hành vi người dùng"

Thái Nguyễn 19/10/2024 11:52 GMT+7
GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc tăng thuế thuốc lá để thay đổi hành vi. Do đó, tăng thuế không thể "đều đều" mà phải tăng "sốc" để người hút thuốc lá phải cân nhắc khi mua.

Tăng thuế thuốc lá không thể "đều đều" mà phải "sốc"

Trước khi đánh giá về việc tăng thuế thuốc lá, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhóm hút thuốc phổ biến ở Việt Nam là người lao động tự do bởi họ thấy việc hút thuốc trở nên dễ dàng, ở bất kể khu vực nào.

Còn nhóm người đã bỏ thuốc chủ yếu làm ở trong môi trường cơ quan, công sở bởi môi trường làm việc không cho phép hút thuốc. Họ muốn hút phải đi ra khu vực riêng, không dễ dàng muốn hút ở đâu thì hút, từ đó sẽ thay đổi hành vi.

"Tôi đi nhiều quốc gia trên thế giới thì thấy không ở đâu dễ mua thuốc lá như ở Việt Nam, chỗ nào cũng có thể mua được. Còn ở các nước khác đi tìm mua thuốc để hút rất khó khăn. Liệu rằng đây có phải vấn để đề người hút thuốc thấy rất là dễ dàng mua được hay không và có nên suy nghĩ biện pháp để giải quyết vấn đề này không", ông Cường nhấn mạnh.

Tăng thuế thuốc lá phải "sốc" để thay đổi hành vi người hút - Ảnh 1.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để giảm tỷ lệ người hút thuốc cần sử dụng biện pháp đánh vào kinh tế, tuy nhiên, 2 phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra cần phải phân tích kỹ lưỡng hơn.

"Tôi thấy mức tăng này "đều đều", không đáng kể và vô tình tạo cho người mua sự thích nghi với việc tăng, điều này khó thay đổi hành vi. Tôi không đồng tình với các phương án này, bởi thuế đưa ra để thay đổi hành vi", ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cũng nêu quan điểm, việc đánh thuế không thể đều đều mà cần phải "sốc", từ đó, sẽ thay đổi hành vi. Ví dụ, lần đầu tiên tăng thuế 5.000 đồng/bao và sau một khoảng thời gian tăng tiếp 5.000 đồng là vẫn lên đến 10.000 đồng/bao, nhưng phải tăng "sốc" để người hút thuốc lá cân nhắc khi mua.

Bên cạnh những giải pháp về thuế thuốc lá, việc tuyên truyền cũng rất quan trọng. Trong đó, để thay đổi hành vi phải thay đổi về nhận thức để những người hút thuốc thấy được tác hại không chỉ tới bản thân và còn tới những người xung quanh, vốn là đối tượng chịu tác hại lớn hơn cả người hút.

Thuế thuốc lá Việt Nam ở mức rất thấp

Theo Th.S. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói thuốc chứa 7.000 chất hóa học 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây ra 8 triệu ca tử vong/năm trên thế giới và 100.000 ca tử vong/năm tại Việt Nam. Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy biện pháp tăng thuế chiếm 60% tác động để giảm sử dụng thuốc lá. Thời gian qua, thuế với thuốc lá tăng quá ít. Theo tính toán, thuế chỉ mới chiếm khoảng 15 - 20% tác động giảm số người hút thuốc. Để giảm tác hại từ thuốc lá, biện pháp thuế vẫn được xem là hiệu quả nhất để trong thời gian tới", bác sĩ Lâm đánh giá.

Tăng thuế thuốc lá phải "sốc" để thay đổi hành vi người hút - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích tác hại của thuốc lá. Ảnh: Quốc hội

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, bên cạnh thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, cần chú trọng các giải pháp tăng thuế thuốc lá là giải pháp hiệu quả nhất trong các nhóm giải pháp theo hướng áp thuế hỗn hợp, mức thuế tăng để đạt được khuyến cáo 75% giá bán lẻ và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.

Bà Lê Thị Thu, chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, cho rằng giá thuốc lá ở nước ta thấp so với các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương và các quốc gia trên thế giới, trong khi đó thuế thuốc lá Việt Nam tính theo phần trăm giá bán lẻ rất thấp (36%). Việt Nam có giá thuốc lá thấp so với các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương và thứ 157/161 các quốc gia trên thế giới.

"Giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ khoảng 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình. Chính sách thuế hiện nay chưa đủ mạnh để kiểm soát người tiêu dùng. Theo đó, khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng thuốc hút và một nửa kia là bỏ hoặc không bắt đầu hút thuốc. Thậm chí, hiệu quả lâu dài có thể lớn hơn. Đặc biệt, thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với chính sách thay đổi về giá (ước tính giá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ 10%)", bà Thu phân tích.

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, khai mạc vào ngày 21/10/2024. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026-2030 với 2 phương án.

Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030.

Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.