Dân Việt

Nhiều cụm công nghiệp tiền tỷ trở thành nơi phơi trồng nông sản

Ngọc Thạch 19/10/2024 16:18 GMT+7
Hiện Gia Lai có hàng loạt cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) được đầu tư với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng lại đìu hiu, vắng bóng doanh nghiệp.

CCN-TTCN huyện Mang Yang tại xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã được phê duyệt từ hơn 10 năm trước, với quy mô 15ha. Đến nay, chỉ có duy nhất một dự án Nhà máy chế biến rau quả - Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Doveco đã đi vào hoạt động. Phần lớn diện tích còn lại chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng nên người dân tận dụng để trồng hoa màu.

Nhiều cụm công nghiệp tiền tỷ trở thành nơi phơi trồng nông sản - Ảnh 1.

Đất bị bỏ hoang tại CCN-TTCN Mang Yang được người dân tận dụng trồng khoai để tăng thu nhập.

Theo UBND huyện Mang Yang, nguyên nhân CCN-TTCN không thu hút được doanh nghiệp đầu tư là do nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng, hệ thống xử lý nước thải, công trình bảo vệ và giám sát môi trường, đặc biệt là công trình giao thông xuống cấp nặng.

Tương tự, CCN-TTCN Ia Khươl, nằm ở huyện Chư Păh có diện tích 50ha, được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt từ năm 2009, tổng mức đầu tư trên 37 tỷ đồng. CCN-TTCN với hi vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư do có nhiều lợi thế là nằm ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh Gia Lai, trên trục Quốc lộ 14, tiếp giáp với Quốc lộ 19, nối giữa tỉnh Gia Lai và TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Nhiều cụm công nghiệp tiền tỷ trở thành nơi phơi trồng nông sản - Ảnh 2.

Toàn cảnh CCN-TTCN huyện Chư Păh thưa thớt thiếu vắng các nhà máy hoạt động.

Huyện Chư Păh cũng là trung tâm của khu vực gồm các huyện Đăk Đoa, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) và tiếp giáp với tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, huyện Chư Păh là có vùng nguyên liệu dồi dào các loại cây công nghiệp dài ngày: Cà phê, cao su, hồ tiêu, bời lời, sầu riêng... và cây công nghiệp ngắn ngày: Ngô, sắn,... thích hợp cho đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công, nông, lâm sản.

Tuy vậy, sau 15 năm được phê duyệt, CCN-TTCN này vẫn chìm trong cảnh đìu hiu, vắng lặng. Từ bên ngoài cụm công nghiệp trông rất quy mô và bề thế, nhưng bên trong chỉ một vài nhà xưởng chế biến bột nhang hoạt động. Phần lớn diện tích đất tại đây cỏ mọc đầy, một số ít thì người dân tận dụng để phơi nông sản.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chư Păh, hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cho 10 đơn vị thuê đất với diện tích trên 25ha (chiếm hơn 65% diện tích) và có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào cụm công nghiệp.

Nhiều cụm công nghiệp tiền tỷ trở thành nơi phơi trồng nông sản - Ảnh 3.

Vẻ ngoài bề thế, quy mô của CCN-TTCN huyện Chư Păh.

Ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, cho rằng còn nhiều nguyên nhân dẫn đến không thu hút được doanh nghiệp tới đầu tư. Trong đó ngân sách huyện còn hạn chế nên hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh, chưa tạo sự chú ý của nhà đầu tư, thời gian, thủ tục cho các nhà đầu tư kéo dài.

Đặc biệt, thẩm quyền giải quyết các thủ tục về phê duyệt chủ trương đầu tư; thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền thuê sử dụng đất đều do UBND tỉnh và các Sở ngành quyết định nhưng trách nhiệm quản lý thì giao cho huyện nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư các dự án vào cụm công nghiệp. Doanh nghiệp khi được UBND tỉnh cho thuê đất và triển khai xây dựng nhà máy chưa đảm bảo với nội dung như đã cam kết về quy mô, tiến độ.

Không thu hút được doanh nghiệp vẫn mở rộng

Đã nhiều năm từ khi đi vào hoạt động nhưng CCN- TTCN huyện Mang Yang tại xã Đăk Djrăng chỉ duy nhất một doanh nghiệp đến đầu tư. Tuy nhiên, vừa qua huyện Mang Yang đã được quy hoạch để phát triển mở rộng CCN-TTCN này từ 15 ha lên 75ha.

Cùng với đó, huyện Mang Yang đã xây dựng kế hoạch phát triển thêm cụm công nghiệp số 2 (tại thôn Chơ Rơng II, xã Đak Ta Ley) và cụm công nghiệp số 3 (tại thôn Nhơn Tân, xã Đak Ta Ley) với diện tích mỗi cụm công nghiệp là 75 ha.