Như Dân Việt đã thông tin, sáng 18/10 thị xã Điện Bàn tổ chức đấu giá quyền khai thác mỏ cát ở xã Điện Thọ. Phiên đấu giá kéo dài suốt 20 giờ và chỉ kết thúc lúc 4h08 ngày hôm sau, giá khởi điểm đưa ra là 1,8 tỷ đồng.
Từ sáng 19/10, khi có thông tin mức giá trúng thầu 370 tỷ đồng cho quyền khai thác cát ở Điện Bàn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc chốt giá cao như vậy là điều khác thường. Đồng thời, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt, ngành đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thị xã Điện Bàn chưa công nhận kết quả trúng đấu giá và rà soát lại toàn bộ quy trình đấu giá.
Được biết, khu vực mỏ cát được mang ra đấu giá nằm dọc sông Thu Bồn chảy qua thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khu vực này có khá đông người dân sinh sống với nghề nghiệp chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trần Văn Bình (thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, năm 2001 từng có mỏ cát khai thác gần khu vực vừa được đấu giá. Tuy nhiên, việc khai thác mỏ cát khi đó ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vì thế đã phải dừng hoạt động sau khi người dân phản ánh. Sau đấy, một số doanh nghiệp đã quay trở lại và muốn ký lại hợp đồng nhưng không được đồng ý.
"Vừa rồi đọc thông tin trên báo đài thấy chuẩn bị có mỏ cát ở khu vực này, bà con ở đây lo lắng. Đến nay vẫn chưa thấy họp dân để lấy ý kiến. Nếu việc khai thác cát diễn ra thì chúng tôi sẽ phản ứng, không đồng tình vì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt là có nguy cơ xảy ra sạt lở", ông Bình chia sẻ thêm.
Một người dân khác tại thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ cho biết, việc múc cát ngày đêm, bà con suốt ngày đầu tắt mặt tối với ruộng vườn, không ai giám sát thì việc khai thác quá độ sâu quy định và trữ lượng thì ai biết?
"Việc khai thác quá mức quy định sẽ khiến bờ sông xảy ra sạt lở, vì hiện tại khu vực bờ kè dọc sông đang bị nứt gãy một số đoạn. Nếu làm đúng như cam kết thì người dân cũng không ngăn cản làm gì", người dân cho biết thêm.