Dân Việt

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo bước "đột phá" phát triển kinh tế

Thế Anh 20/10/2024 15:10 GMT+7
Bộ GTVT đánh giá, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Theo đề xuất của Bộ GTVT, sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam). Cùng đó là khoảng 106,8 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu khách khu đoạn); Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo bước "đột phá" phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo đà phát triển kinh tế. Ảnh: AI

Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ phuc vụ vận tải hành khách, cự ly ngắn dưới 150 km ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình 150 - 800 km, ưu thế thuộc về đường sắt tốc độ cao; cự ly trên 800 km, ưu thế thuộc về hàng không và đường sắt tốc độ cao.

Từ kinh nghiệm quốc tế, năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, đơn vị tư vấn kiến nghị đường sắt tốc độ cao có công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; đường sắt Bắc - Nam hiện hữu vận chuyển hàng hóa (hàng nặng, hàng rời, hàng lỏng...) và khách du lịch chặng ngắn.

Về lựa chọn tốc độ thiết kế, liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDI SOUTH đánh giá, tốc độ 350 km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam. Tốc độ 350 km/h cũng hấp dẫn hơn và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h.

Mặc dù chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9%, nhưng nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h khi có nhu cầu là khó khả thi và không hiệu quả.

Đơn vị tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới.

TEDI - TRICC - TEDI SOUTH cho biết, tốc độ 350 km/h và cao hơn, cự ly ga trung bình 50 - 70 km đang là xu hướng của thế giới, được đánh giá là phù hợp, hiệu quả. Với tốc độ này, thời gian tàu chạy giữa Hà Nội - TP.HCM được rút ngắn đáng kể, chỉ còn 5 giờ 30 phút.

Nếu tốc độ thiết kế là 250 km/h, tốc độ khai thác sẽ thấp hơn, tối đa chỉ được khoảng 80% tốc độ thiết kế, thời gian hành trình trên cùng chặng sẽ mất hơn 10 giờ. Với khoảng thời gian này, hành khách sẽ chọn hàng không.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo bước "đột phá" phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Nhiều hành khách lựa chọn tàu đường sắt là phương tiện về quê dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: VNR

Tạo "đột phá" phát triển kinh tế

Bộ GTVT đánh giá, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Từ kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia đều xem xét hiệu quả tổng thể do dự án đường sắt tốc độ cao mang lại cho toàn bộ nền kinh tế.

Thực tế, tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải khai thác vào năm 2012, thu nhập GDP các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm (bình quân 11%/năm). Đồng thời, đây là phương thức vận tải xanh, là giải pháp hữu hiệu để góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Đối với Việt Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang tính "đột phá" cho phát triển kinh tế như tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đồng thời, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất.

Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng (thép, xi măng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm; trong thời gian xây dựng ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã tính toán nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương 16,2% kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn chiếm 5,5-5,7% GDP như hiện nay; khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (khởi công dự án).

Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ này đã hoàn thành đầu tư 3000 km và đang thi công 1700 km đường bộ cao tốc, do đó áp lực đầu tư đến năm 2030 đạt 5000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII không lớn, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới có thể cân đối đầu tư dự án, tác động không lớn đến các công trình quan trọng quốc gia khác.