CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) là một trong những nhà sản xuất và bán lẻ, cung cấp ra thị trường các sản phẩm trang sức, vàng, bạc, kim cương (chiếm khoảng 62% tổng doanh thu).
Ngoài ra, PNJ còn kinh doanh vàng 24K (chiếm khoảng 25,3% doanh thu) và gia công trang sức cho các khách hàng lớn trong nước (chiếm 12% tổng doanh thu).
Chứng khoán VNDirect nhận định, so với các doanh nghiệp cùng ngành, PNJ có lợi thế cạnh tranh lớn về năng lực sản xuất khi sở hữu 2 nhà máy ở Gò Vấp và Long Hậu (tổng công suất hơn 4 triệu sản phẩm/năm) với hơn 1.000 nghệ nhân và thợ kim hoàn.
Dữ liệu PV Dân Việt thống kê từ đầu năm 2024 cho thấy, "bà hoàng" trang sức ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 2 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 245 và 305 tỷ đồng.
Từ tháng 3 trở đi, kết quả kinh doanh có phần chậm lại, lãi sau thuế lần lượt ghi nhận 188 tỷ đồng trong tháng 3, 177 tỷ đồng trong tháng 4 và giảm còn 136 tỷ đồng trong tháng 5.
Đầu tháng 6, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh và chênh lệch cao so với thị trường quốc tế. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của nhà điều hành, 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC đã tham gia bán vàng "bình ổn", nhằm mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với vàng thế giới.
Dữ liệu cho thấy, từ thời điểm này, lợi nhuận của PNJ cũng giảm sút. Tháng 6, PNJ lãi sau thuế 116 tỷ đồng, giảm 15% so tháng 5 và giảm 53% so với hồi tháng 1/2024. Sang tháng 7, PNJ giảm lãi sau thuế còn 51 tỷ đồng và cải thiện nhẹ lên 63 tỷ đồng vào tháng 8.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.866 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 27,2% và 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, dù doanh thu bán vàng 24K tăng 52,8% so với cùng kỳ nhưng chủ yếu do thị trường sôi động nửa đầu năm.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, từ quý III/2024, trên toàn hệ thống PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do việc thiếu hụt nguồn cung. Người dân hầu như chỉ mua, không có hoặc rất hiếm có việc bán lại vàng miếng.
Trong báo cáo phân tích, VDSC cho biết, hiện, chưa nhận thấy sự thay đổi trong chủ trương siết chặt quản lý này đến từ các cơ quan chức năng do mục tiêu quản lý xuyên suốt là không đổi, do vậy dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau.
"Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi", VDSC dự báo.
Theo nhóm phân tích, thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại nhằm tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức. Vì vậy, nhóm phân tích nhận định, PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.
Cho mảng trang sức bán lẻ, áp lực này là thấp hơn và PNJ có thể đáp ứng được nhu cầu vàng nguyên liệu cho mảng này. Nguyên nhân do mảng trang sức không như vàng miếng. Khi người tiêu dùng bán lại sẽ tính theo giá trị hóa đơn mua chứ không theo giá vàng lên xuống từng ngày, nên nhu cầu bán lại trang sức của người dân vẫn còn.
Bên cạnh đó, theo VDSC, PNJ có biên lợi nhuận gộp cao cho mảng trang sức đến từ phần phụ trội từ thiết kế, dịch vụ, thương hiệu nên có khả năng trả cao hơn để lấy nguồn nguyên liệu vàng từ các bên.
Từ những yếu tố trên, VDSC dự phóng, mảng bán lẻ trang sức của PNJ tiếp tục tăng trưởng 10,5%/năm trong giai đoạn 2024 - 2028, dựa trên giả định trọng yếu rằng PNJ vẫn có thể đảm bảo nguồn cung nguyên liệu vàng đầu vào cho mảng này, trong khi mảng kinh doanh vàng miếng sẽ bị hụt doanh thu từ 2025 do tiếp diễn tình trạng thiếu nguồn cung.
Đáng chú ý, VDSC cũng đưa ra giả định: Trong trường hợp cơ quan quản lý siết chặt hơn nữa và lâu dài hoạt động kinh doanh vàng và nữ trang, PNJ có thể sẽ thiếu hụt nguồn cung không chỉ mảng vàng miếng mà cả mảng nữ trang.
Từ đó, doanh thu và lợi nhuận của PNJ nói riêng, và các nhà sản xuất – kinh doanh nữ trang có thương hiệu và tiềm lực tài chính nói chung, sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn.