Bánh Đá là món ăn truyền thống của người vùng cao, thường xuất hiện vào những ngày lễ, Tết. Bác Lý Hội Sèo, người dân Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) chia sẻ về các công đoạn làm bánh trước đây: “Để có được chiếc bánh Đá, sau khi thu hoạch lúa chín, người dân đã tuyển chọn những hạt gạo ngon rồi lấy gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỉ lệ nhất định, sau đó đem ngâm với nước từ 4 - 5 tiếng.
Ngâm gạo nếp, gạo tẻ đã trộn xong thì đem phơi khô, mang đi nghiền. Tiếp đó, đồ bột gạo lên, chín nhừ rồi mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch.
Khi tiến hành các thao tác nặn phải thật nhanh, vì nếu để bột nguội chúng không dính quyện được vào nhau.
Những chiếc bánh Đá Hà Giang đủ sắc màu nhờ vào nguyên liệu tự nhiên từ các loại lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, nghệ hay gấc. Với sự kết hợp cùng các loại lá, bánh Đá cũng có hương vị thơm ngon hơn”.
Hiện nay, để đáp ứng với nhu cầu của thị trường và phục vụ du khách, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất bánh Đá.
Một trong số đó là Hợp tác xã Trung Hiếu, chị Phùng Thị Thu Minh, chủ HTX tại Phong Quang (huyện Vị Xuyên) chia sẻ: “Hiện nay HTX của chúng tôi có 2 cơ sở, một cơ sở chính tại huyện Đồng Văn và cơ sở thứ 2 tại xã Phong Quang.
Bánh Đá Hà Giang có hình thuôn dài, cùng nhiều hương vị khác nhau như gấc, đậu biếc, nghệ, lá nếp cẩm.
Hàng ngày, tại cơ sở 2 sản xuất khoảng 500 kg bánh Đá thành phẩm.
Để phục vụ khách hàng dễ chế biến và thị hiếu của từng người, HTX đã cho ra đời nhiều loại bánh Đá như: Bánh cắt sợi, cắt khúc và cắt tròn…
Bên cạnh đó, để tăng năng suất làm bánh Đá, chúng tôi đã áp dụng các máy móc như: Máy nghiền bột, máy ép bánh, máy hút chân không. Qua đó cơ bản cung cấp đủ nhu cầu của thị trường…”.
Chị Voòng Thị Thảo, du khách đến từ Tuyên Quang chia sẻ: “Từ việc xem các Tiktoker review trên mạng đã khiến tôi rất tò mò, không biết bánh Đá ăn sẽ như thế nào?
Mỗi chiếc bánh Đá ra lò sẽ được chia thành các túi nhỏ và từng loại khác nhau để người tiêu dùng dễ dàng sử dụng.
Rồi có người thì bảo khi mới mua về, chiếc bánh đúng nghĩa là “cứng như đá”. Thậm chí, để hai chiếc bánh đánh vào nhau sẽ phát ra tiếng kêu côm cốp như hai cục đá.
Được giới thiệu là vậy, nhưng khi món bánh Đá được chế biến lại tạo độ “nghiện” đối với các thành viên trong gia đình tôi. Bánh Đá có vị ngậy, thơm, có độ dẻo vừa phải, dễ ăn và phù hợp với mọi lứa tuổi trong gia đình…”.
Xuất phát từ chiếc bánh truyền thống, với nguyên liệu sẵn có, những chiếc bánh Đá khi đến với người tiêu dùng lại được chế biến khá đa dạng.
Nhiều bạn trẻ chỉ ra muôn vàn cách ăn như: Nhúng lẩu, nấu thắng rền và cách làm dễ nhất đó là chiên, rán sau đó chấm với tương ớt, đường trắng hay sữa đặc… tùy vào khẩu vị mỗi người.
Bánh Đá với sức hút của mình đã góp mặt trở thành một sản phẩm quảng bá cho Hà Giang và được cộng đồng ẩm thực săn lùng vì cái tên độc đáo cùng vẻ ngoài bắt mắt, mê mẩn với vị ngọt nhẹ, mùi thơm và độ dẻo dai hòa quyện.