Thay đổi nếp nghĩ, cách làm truyền thống
HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam (gọi tắt là HTX) có tiền thân từ việc sáp nhập của 2 HTX: HTX Xuân Minh và HTX Xuân Dương vào năm 1962.
Ông Bùi Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: PV.
Năm 2016, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Ông Bùi Văn Chiến được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam.
Mặc dù thời gian hoạt động của HTX kéo dài trong nhiều năm, nhưng hoạt động chỉ cầm chừng, chủ yếu thành lập theo kiểu "cho có". Từ khi ông Bùi Văn Chiến lên "cầm quân" và chuyển đổi theo luật HTX năm 2012, HTX đã được sắp xếp lại cùng với sự năng động, tâm huyết của vị giám đốc mới, HTX dần ổn định đi vào hoạt động hiệu quả.
Ở mỗi vị trí, công việc, ông Chiến luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, bằng sự nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm, xử lý từng việc cụ thể.
Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ như hiện nay, ông Chiến hiểu và nhận thấy rằng, làm nông nghiệp cần phải thay đổi.
Ông Bùi Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra xuất hiện rươi trên cánh đồng ven sông Lam. Ảnh: PV
HTX Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh cơ giới hóa, hướng sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: PV.
Ông Bùi Văn Chiến bộc bạch: "Những năm đầu mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn về vốn, cộng thêm chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế.
Cùng với đó là tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm của người dân không dễ gì thay đổi được trong ngày một ngày hai. Bởi vậy, việc đầu tiên, tôi cùng Ban lãnh đạo HTX đã vạch ra các nhóm hoạt động, ưu tiên đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.
Chúng tôi, đã tìm hiểu và phối hợp với Công ty Vật tư Nông nghiệp, các doanh nghiệp về hỗ trợ người dân trong việc đưa các giống lúa vào khảo nghiệm, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, hướng sản xuất có liên kết, bao tiêu sản phẩm…"
Với diện tích canh tác ổn định hơn 218 ha, HTX xã đã làm tốt cung ứng mỗi năm gần 20 tấn lúa giống các loại. Trong 10 giống khảo nghiệm, HTX đã lựa chọn được 4 bộ giống chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn để sản xuất đại trà góp phần tăng năng lúa.
HTX thực hiện hỗ trợ 50% giá giống lúa cho bà con nông dân, mua phân bón trả chậm từ 250 - 300 tấn phân bón với dư nợ hơn 300 triệu đồng/vụ. Sự nỗ lực, tận tụy của người đứng đầu và tập thể Ban lãnh đạo HTX, hình ảnh ruộng đồng manh mún với cảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau vào mỗi vụ gieo cấy giờ đây không còn nữa.
Thay vào đó là những cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ từ máy cày bừa, máy cấy, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất,…
HTX cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng, kho hàng khang trang cung ứng dịch vụ phân bón, lúa giống các loại, thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất.
Gần 700 xã viên HTX trên địa bàn là con số không hề nhỏ, nhưng nhờ sự chủ động cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng của HTX đã góp phần nâng sản lượng lúa lên đạt bình quân 50 – 60 tạ/ha, tăng 5 – 7 tạ/ha so với trước đây; sản lượng lúa bao tiêu cho thành viên HTX mỗi vụ đạt từ 500 – 700 tấn.
Ông Lê Anh Sơn, thành viên HTX Thống Nhất xã Xuân Lam, chia sẻ: "Từ khi HTX tổ chức dịch vụ bán phân bón đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong quá trình sản xuất.
Người dân không mất nhiều thời gian như trước khi phải đi mua phân bón nơi khác, hoặc mua trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp sản xuất lúa, hoa màu hiệu quả hơn trước.".
Nhận thấy vùng đất ngoài đê La Giang có điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với nuôi rươi và cáy. Ông Bùi Văn Chiến mạnh dạn xây dựng đề án cải tạo 10 ha đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi cáy ở vùng ven Sông Lam với kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Khi ý tưởng bắt đúng nhịp với chủ trương của tỉnh trong thực hiện nghị quyết chuyển đổi tích tụ ruộng đất, đề án đã được triển khai và đi vào sản xuất từ vụ Xuân năm 2023.
Ông Bùi Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thống Nhất Xuân Lam lội xuống ruộng hướng dẫn cho bà con nông dân kết hợp nuôi rươi, cáy đã mang lại lợi ích thiết thực. Ảnh: PV.
Qua 2 năm sản xuất, năng suất lúa hữu cơ trên ruộng rươi đạt bình quân 54 tạ/ha, rươi đạt 2,5 tạ/ha, cáy đạt 3,5 tạ/ha. Việc liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm gạo, rươi, cáy đảm bảo chất lượng tiến tới xây dựng sản phẩm gạo hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và đa dạng các sản phẩm từ rươi, cáy như: rươi cấp đông, chả rươi, ruốc rươi, mắm cáy...
Những thành tích, kết quả đạt được của HTX như hôm nay là có sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND xã Xuân Lam, sự giúp đỡ của các Sở, ban ngành, UBND huyện Nghi Xuân. Sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm của Ban quản trị HTX, trong đó có sự đóng góp không nhỏ công sức, sự nhiệt huyết, tận tụy của ông Bùi Văn Chiến.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Chiến - Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất, xã Xuân Lam, cho biết: "Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững, cần phải tạo chuỗi liên kết cả đầu vào lẫn đầu ra. Để làm được việc này, HTX đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ nhanh, giúp người dân có tiền đều đặn từ việc bán hàng, người dân càng tin tưởng hơn đến vai trò của HTX".
HTX Nông nghiệp Thống Nhất, xã Xuân Lam đã được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện Nghi Xuân tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2024, HTX Nông nghiệp Thống Nhất, một trong hai đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam tặng giải thưởng Ngôi sao HTX trong top 100 HTX toàn quốc, nhằm ghi nhận và tôn vinh các HTX, liên hiệp HTX có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh