Đồng đất ở ấp Long Hòa, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm xưa nay được biết đến là vùng đất phèn, trũng, làm ruộng còn khó ăn huống chi là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thế nhưng, với quyết tâm của vợ chồng anh Huỳnh Việt Trung và chị Phạm Thúy Liễu đã làm cho nhà nông vùng này thay đổi cách nghĩ xưa nay, khi đôi vợ chồng này đang thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.
Hàng nghìn m2 đất trồng dưa lưới trong nhà kính của vợ chồng anh Trung, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng đang mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Dưa lưới đang được thị trường ưa chuộng khi sản phẩm đảm bảo an toàn về chất lượng Ảnh: Hồng Hồng.
"Nông dân không có gì quý hơn khi có được đất đai để sản xuất, và đất sẽ không phụ lòng người nếu chúng ta biết cách khai phá nó", anh Trung khẳng định.
Nói về những ngày đầu khởi nghiệp với mô hình này, anh Trung cho biết, khi nhận thấy vùng đất này làm lúa không cho thu nhập cao, anh đã bắt đầu ra sức cải tạo đất, áp dụng theo hình thức sản xuất nông nghiệp tổng hợp, lấy ngắn nuôi dài.
Sau khi được Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Ngã Năm tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới, vợ chồng anh Trung quyết định đầu tư tiền của xây dựng nhà kính trồng thử nghiệm với với diện tích 500m2. Khi thực hiện thấy hiệu quả, anh nông dân này bắt đầu tăng diện tích lên hơn 5.000 m2. Và để có nguồn hàng cung cấp cho thị trường quanh năm, anh trồng dưa theo hình thức xoay vòng.
"Để có trái thu hoạch quanh năm, tôi chia ra nhiều đợt. Mỗi đợt trồng cách nhau từ 10-15 ngày", anh Trung nói và cho biết, mỗi năm anh trồng khoảng 36.000 dây dưa lưới, thu hoạch bình quân khoảng 70 tấn/năm, bán với giá 35.000 đồng/kg, thu nhập trên 240 triệu đồng/năm.
Vợ anh Trung – chị Phạm Thúy Liễu cho biết, vùng đất ở xã Tân Long là vùng đất trũng, nhiễm phèn nên việc trồng lúa năng suất không cao. Do đó, vợ chồng anh nhiều năm nay đã quyết định chuyển dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế hơn.
Anh Trung, nông dân trồng dưa lưới trong nhà kính ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang mang về nguồn thu lớn cho gia đình, và anh sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con có cùng chí hướng và quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương. Ảnh: Hồng Hồng
Hiện nay, khoảng 10 ha đất của gia đình được vợ chồng người nông dân này phát triển theo mô hình sản xuất tổng hợp. Trong đó, ngoài 5 công đất trồng dưa lưới, anh Trung còn trồng 18 công đất dừa, và nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao khác, như ổi, sầu riêng, xoài...
Chia sẻ về quá trình cải tạo đất nhiễm phèn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, anh Trung nói rằng, nông dân phải có tâm huyết, kiên trì, mài mò biện pháp làm thì mới đem đến hiệu quả được.
"Trước tiên là phải xử lý đất, đất phèn thì phải có nguồn nước xổ phèn. Do đó, tôi phơi khô đất trước, rồi đưa nước vào, nguồn nước cũng phải đi theo hình chữ Z không để nước tù, làm được như vậy đất sẽ tốt lên", anh Trung chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra, anh Trung và chị Liễu đã quyết định chọn sản xuất hữu cơ để dần hình thành thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, vợ chồng anh còn học hỏi và tự ủ phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn trái của gia đình mình.
Nói về mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đầu tiên ở địa phương của vợ chồng anh Trung, bà Đinh Thị Hằng - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết, mô hình này được anh Trung áp dụng nhiều năm nay, bước đầu cho hiệu kinh tế quả cao.
"Trồng dưa lưới trong nhà kính không sử dụng phân bón, thuốc hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ nên chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn. Dưa cho trái ăn rất ngon, đem lại sự an toàn cho người tiêu dùng", bà Hằng nói.