Dân Việt

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau

An Linh 21/10/2024 14:37 GMT+7
Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhận định trong báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự báo năm 2025.

Ngày 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường sau khi lắng nghe báo cáo Kinh tế xã hội năm 2024 và dự báo năm 2025 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra.

Lãng phí còn diễn ra phổ biến

Theo Báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, nền kinh tế có một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Việc chậm trễ này có thể gây ra những hệ lụy cho sản xuất than, an ninh cung cấp năng lượng, an ninh cung cấp điện của nước ta trong thời gian sắp tới. Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp, ngập úng tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cho hay.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: "Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau" - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Về tháo bỏ các nút thắt cơ chế, chính sách phát triển, ông Thanh cho rằng: Cải cách thủ tục hành chính, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

“Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định;. Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến UBTVQH, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định.

“Điều này gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội”, ông Thanh nêu.

Theo Uỷ ban Kinh tế, một số quy định, thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người dân còn chậm.

Về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Uỷ ban Thường vụ nhấn mạnh: Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Việt Nam chuẩn bị thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già”

Tại Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dân số tiếp tục xu hướng già hóa nhanh, Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: "Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều hình thức khác nhau" - Ảnh 2.

Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là cơn bão số 3 Yagi, cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua, cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, duy trì cường độ bão dài, phạm vi ảnh hưởng rộng, đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, công tác phòng chống, ứng phó trước, trong và sau bão mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vẫn hết sức nặng nề, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rút kinh nghiệm để chuẩn bị ứng phó tốt hơn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu là lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, khó phát hiện, đấu tranh.

Về giải pháp 2025, Uỷ ban Thường vụ đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

“Ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế; các địa phương chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh. Có giải pháp để triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP; thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.