Dân Việt

Mai Châu - miền đất gây thương nhớ

Phạm Ngọc Hoài 22/10/2024 11:27 GMT+7
Thung lũng Mai Châu (Hòa Bình) đã làm bao du khách trong và ngoài nước đắm say. Miền đất của người Thái cổ đã định cư lâu đời ở miền Tây Bắc đã tạo nên bản sắc riêng, và giờ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đất Mường.

Vượt qua đèo Thung Khe (nằm trên quốc lộ 6 - nơi giáp ranh giữa huyện Tân Lạc – Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đến ngã ba Tòng Đậu rẽ trái là vào tới thung lũng Mai Châu. Thung lũng xinh xắn của bà con người Thái mùa nào cũng đẹp, cũng làm mê đắm lòng người. Cùng với Sa Pa (Lào Cai), thung lũng Mai Châu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất đất Tây Bắc.

Đêm xòe làm say đắm lòng người

Đứng từ cột cờ Mai Châu trên đỉnh đèo Thung Khe nhìn xuống cả miền núi non xanh, nước biếc thu vào tầm mắt. Bên dòng suối uốn lượn quanh co, bà con người Thái đã dựng lên những ngôi nhà sàn xinh xắn. Cạnh đó là những tràn ruộng tựa như những ô bàn cờ nối nhau kéo dài tới tận chân núi. Mai Châu – xứ sở của người dân tộc Thái đã là niềm cảm hứng cho bao nhà nhiếp ảnh, nhà thơ sáng tác. Thung lũng mộng mơ mọc lên giữa xứ Mường đã làm cho bao du khách vui quên lối về. Ai đã một lần đến nơi này đều muốn rời xa. Chẳng thế mà giới trẻ đã đặt cho thung lũng này biệt danh "Vùng đất gây thương nhớ".

Mai Châu - miền đất gây thương nhớ - Ảnh 1.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: P.N.H)

Mai Châu trước kia được gọi là Mường Mai, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIII. Ngay từ thời nhà Trần, những người con của đất Mường Mai đã trấn ải biên giới, lập nhiều chiến công, được triều đình ban thưởng. Nghĩa quân áo đỏ của đồng bào các dân tộc ở Mai Châu đã nhiều phen làm cho quân xâm lược nhà Minh khiếp sợ.

Hiện nay, huyện Mai Châu có 23 đơn vị hành chính, gồm 22 xã như Cun Pheo, Piềng Vế, Bao La, Xăm Khoè, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Mai, Chiềng Châu, Nà Phòn, Nà Mèo... Nhờ vào hệ thống sông, suối khá dày đặc, cùng với lớp đất mùn độ phì nhiêu tương đối cao, Mai Châu có nền nông nghiệp trù phú và được coi là địa phương có kinh tế ổn định của miền núi Tây Bắc.

Đến Mai Châu, du khách sẽ được ở trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp của bản Thái. Bản Lác là nơi làm du lịch sớm nhất nơi đây. Khu bản làng có tuổi đời hơn 700 năm tuổi hiện là nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ chính, gồm Lộ, Vì, Lò, Hà, Mác. Qua bao thăng trầm, bản Lác vẫn giữ được dáng vẻ mộc mạc, thô sơ từ xa xưa. Đến với bản Thái, du khách được chiêm ngưỡng các nhà sàn được làm từ gỗ quý theo thiết kế truyền thống của người Thái với 9 bậc thang dẫn lên nhà. Bên cạnh đó, du khách, người phương xa được khám phá đời sống làm nông, dệt thổ cẩm đặc sắc của người dân nơi đây. Du khách có thể đạp xe, tắm suối và chơi các trò chơi dân gian của người bản địa. Sự huyền bí và hấp dẫn khi đêm về ở nơi này cũng rất thu hút du khách.

Mai Châu - miền đất gây thương nhớ - Ảnh 2.

Những điệu múa đậm đà bản sắc của đồng bào người Thái Mai Châu hấp dẫn du khách. (Ảnh: P.N.H)

Nếu như người Mường tạo dấu ấn với du khách bằng những điệu múa độc đáo, bằng tiếng cồng chiêng bung biêng, bà con người Thái vẫn giữ được 36 điệu xòe. Khi màn đêm buông xuống cũng là thời điểm của hội xòe, hội sạp bắt đầu. Điệu nhảy được đệm bởi tiếng trống, tiếng đàn tính ngân nga như dòng suối mát trong xua tan bao nỗi vất vả, khó khăn…

Đêm hội bản Thái vui quên lối về. Tiếng đàn tính tẩu ngân vang, tiếng trống như thúc giục, như mời gọi du khách cùng nắm tay nhau nhún nhảy theo điệu xòe, nhảy sạp. Giữa cái khí xuân trong lành, ánh trăng mờ tỏ nơi đầu núi, nắm tay cô gái Thái trong trang phục chiếc váy nhung bó sát, áo cóm thon gọn mới thấy cái hay, cái đẹp của đất Mường. Đắm chìm trong lễ hội mùa xuân, rượu cần đã ngấm, ngắm nhìn những cô gái Thái nhún nhảy trong điệu múa xòe mà lòng tràn đầy một niềm thương nhớ.

Chẳng thế mà ai đến đất Mai Châu này cũng bịn rịn, cũng lưu luyến khó rời xa nửa bước. Lòng bảo lòng, hết xuân này, mong cho xuân sau đến sớm ta lại cơ hội trở về miền đất thấm đậm tình người…

Tập trung phát triển du lịch

Chúng tôi có may mắn được ở tại khu nghỉ dưỡng đẹp như tranh vẽ của ông Hà Văn Sêm, xóm Nà Chiềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu. Ông Sêm là một trong những người đi tiên phong trong việc phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc hoang sơ, ông Sêm đã xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng homestay kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp Mai Châu Sky. Từ cách làm của ông đã thu hút cả chục hộ dân khác trong xã làm du lịch. Giờ đây việc khai thác ngành "công nghiệp không khói" đã và đang trở thành nguồn thu chính của người Thái nơi đây.

Nắm bắt được cơ hội để phát triển du lịch, hàng trăm cơ sở lưu trú do người dân nơi đây xây dựng đã tạo được điểm nhấn trong việc đón khách du lịch. Chính quyền tỉnh Hòa Bình, huyện Mai Châu cũng chú trọng thực hiện công tác thu hút đầu tư, triển khai các dự án phát triển du lịch, thương mại.

Mai Châu - miền đất gây thương nhớ - Ảnh 3.

Mô hình du lịch cộng đồng homestay kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp Mai Châu Sky của ông Hà Văn Sêm (bản Nà Chiềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu) thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm. (Ảnh: P.N.H)

Từ khi công bố quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều dự án đầu tư về du lịch, thương mại được quyết định chủ trương đầu tư. Một số dự án du lịch đi vào hoạt động có hiệu quả như: Khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway ở xã Tân Mai; khu du lịch làng Bích Họa, xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch; khu du lịch Mai Châu Ecolodge, xóm Nà Thia, xã Nà Phòn; khu du lịch sinh thái Mặt Trời, xã Chiềng Châu; khu du lịch sinh thái Mai Châu Villas, xã Mai Hịch.

Để phục vụ cho phát triển du lịch, huyện Mai Châu phục dựng và duy trì tổ chức các lễ hội dân gian: Lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Xuân Sơn Động của dân tộc Dao; lễ hội Khai Hạ của dân tộc Mường... Hoàn thành đầu tư tôn tạo và đưa vào sử dụng đền thờ Lang Bôn gắn với tổ chức lễ hội "Xên Mường" của dân tộc Thái; hỗ trợ thành lập và đưa vào hoạt động mô hình HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu; quản lý, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 138 đội văn nghệ cơ sở; hỗ trợ khu trưng bày giới thiệu các hiện vật, cổ vật của dân tộc Thái; tổ chức các lớp dạy chữ, tiếng dân tộc Thái; lớp dạy chữ Nôm - Dao, chữ viết, tiếng nói dân tộc Mông cho thế hệ trẻ để bảo tồn tiếng nói và chữ viết của các dân tộc... Trên địa bàn huyện hiện còn 85% hộ gia đình dân tộc Thái và dân tộc Mường lưu giữ được nếp nhà sàn truyền thống.