Dân Việt

Hội Nông dân Phú Thọ kết nạp mới hơn 1.200 hội viên nông dân

Hoan Nguyễn 22/10/2024 14:22 GMT+7
Năm nay, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã kết nạp mới trên 1.200 hội viên nông dân; thông qua nguồn vốn, Hội đang tạo "đòn bẩy" giúp nông dân dám nghĩ, dám làm, thi đua làm giàu.

Theo bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã kết nạp mới hơn 1.200 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên gần 200.000 người, sinh hoạt tại 2.187 chi hội ở 213 xã, phường, thị trấn có tổ chức cơ sở Hội.

Phú Thọ kết nạp mới hơn 1.200 hội viên nông dân - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình giới thiệu, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu tỉnh đợt 3, năm 2024 tại TP. Việt Trì vào ngày 7/10 vừa qua. Ảnh: Linh Nguyễn

Bà Quỳnh nhấn mạnh, Hội Nông dân, hội viên nông dân trong tỉnh đã và đang phát huy vai trò chủ thể, là trung tâm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên quê hương đất Tổ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 160 chi hội với 2.034 thành viên; 305 tổ hội với 2.371 thành viên tham gia hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, ngành nghề dịch vụ.

Phú Thọ kết nạp mới hơn 1.200 hội viên nông dân - Ảnh 2.

HTX chè Cẩm Mỹ thu hoạch chè sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đơn cử, tại xã Tất Thắng (huyện Thanh Sơn), để đẩy mạnh liên kết nông dân cùng trồng chè hữu cơ, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hội Nông dân tỉnh, năm 2021, HTX chè Cẩm Mỹ thành lập Chi hội sản xuất chè xanh với 17 hội viên, sản xuất chè trên diện tích 30ha. Nhờ có sự liên kết sản xuất, mô hình đã đảm bảo được nguồn chè nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định, sản phẩm có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ cho biết: "Trong diện tích 30ha sản xuất chè, HTX đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm. Giá bán chè hữu cơ trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với canh tác truyền thống.

Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất chè, đời sống của các hộ dân ngày càng khấm khá. Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuỗi sản xuất chè đã giúp cho sản phẩm chè của HTX ngày càng nâng cao chất lượng".

Đến nay, HTX Cẩm Mỹ có 2 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 4 sao, được bán khắp các đại lý, siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai… Doanh thu mỗi năm đạt hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động là người dân tộc Mường, với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Đinh Thị Lý (dân tộc Mường, ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh phú Thọ) chia sẻ, từ ngày HTX chè Cẩm Mỹ thành lập, bà trở thành lao động thường xuyên ở đây, thu nhập ổn định với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng.

Phú Thọ kết nạp mới hơn 1.200 hội viên nông dân - Ảnh 3.

Nhờ liên kết nông dân sản xuất, Phú Thọ đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, hữu cơ, tăng thu nhập người dân, thay đổi diện mạo nông thôn toàn diện. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Ngoài ra, hơn 7 sào chè của gia đình tôi cũng được HTX chè Cẩm Mỹ hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, những đồi chè không còn mùi thuốc trừ sâu độc hại, môi trường làm việc trong lành, sức khỏe được đảm bảo, giảm chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu hóa học… Chè thu hoạch đến đâu, HTX thu mua đến đấy, nhờ đó thu nhập từ cây chè tăng lên rõ rệt, gấp 2-3 lần so với trước đây" - bà Lý phấn khởi nói.

Đồng thời, để thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân Phú Thọ đã tạo các nguồn vốn, quỹ thông qua các kênh như Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng thương mại.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh đạt hơn 56 tỷ đồng cho trên 2.500 hộ vay vốn thực hiện 450 dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; nguồn vốn uỷ thác từ Ngân hàng CSXH đạt gần 1.700 tỷ đồng… 

Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của Hội Nông dân Phú Thọ, bà con nông dân đã có thêm động lực lớn để đầu tư con giống, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tăng giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu nhập; ngày càng ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu mạnh mẽ...