Hội Nông dân Phú Thọ góp sức hiệu quả phòng, chống bệnh lao
Hội Nông dân Phú Thọ góp sức hiệu quả phòng, chống bệnh lao
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 21/10/2024 05:22 AM (GMT+7)
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn toàn tỉnh.
Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống; trình độ nhận thức của bà con về công tác phòng, chống bệnh lao ở một số nơi còn hạn chế.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả các mô hình: Nông dân phòng, chống lao; Chi hội Nông dân phát hiện lao sớm và vận động nông dân nghi mắc bệnh lao đi khám, điều trị bệnh lao. Nhờ triển khai các mô hình này, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều được tuyên truyền, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác về bệnh lao, giúp nhận thức của người dân về bệnh lao được nâng lên.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ phấn đấu nhân rộng mô hình phòng, chống lao tiềm ẩn, đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động các mô hình lao tại các cơ sở Hội trên địa bàn nhằm góp phần phòng ngừa sự lây lan ra cộng đồng; tiến tới chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh vào năm 2030.
Ông Trần Tôn Tạo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuy Lộc (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết, Chi hội nông dân phát hiện lao sớm xã Tuy Lộc được thành lập từ năm 2020. Chi hội gồm 50 thành viên, hoạt động có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, truyền thông cho người dân về bệnh lao, cách phòng tránh. Từ đó, giúp người dân tự nhận biết các dấu hiệu nghi bị lao, chủ động đi khám để phát hiện sớm và thực hiện tốt các quy trình điều trị có kiểm soát, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lao trên địa bàn.
Theo bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Phú Thọ định kỳ hàng năm, tổ chức nhiều buổi khám bệnh miễn phí cho cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Tại buổi khám, các hội viên đã được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và khám sàng lọc bệnh lao miễn phí 100% với các thiết bị máy móc hiện đại.
"Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm góp phần chăm lo đến sức khỏe, đời sống của cán bộ, hội viên và người dân, nhằm phát hiện, điều trị bệnh kịp thời và giảm một phần kinh phí trong khám, chữa bệnh" - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ thường xuyên phối hợp với dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bệnh viện Phổi tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn phòng chống bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh.
"Thông qua lớp tập huấn, các đại biểu đã tiếp cận những kiến thức cơ bản về bệnh lao, nguyên nhân, biểu hiện, các triệu chứng cũng như cách phòng, chống bệnh lao. Từ đó tích cực tuyên truyền, vận động người có dấu hiệu nghi mắc lao đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Đồng thời tiếp tục theo dõi, phối hợp hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, đảm bảo bao phủ toàn dân để mọi người đều tiếp cận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất" - bà Quỳnh nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Lợi (ở xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ) đã từng rất lo lắng, bất an vì mắc bệnh lao. Nhưng sau khi được cán bộ hội nông dân đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, ông tham gia điều trị tại cơ sở y tế; từ đó bớt mặc cảm và yên tâm chữa bệnh. Đến nay ông đã khỏi bệnh lao, mọi việc sinh hoạt và lao động trở lại bình thường.
Tính riêng năm 2023, tỉnh Phú Thọ phát hiện 528 người bệnh lao, trong đó lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới là 325 người, lao kháng thuốc là 22 người bệnh… Hiện tỉ lệ điều trị khỏi đối với lao phổi có bằng chứng vi khuẩn mới đạt hơn 95%. Trong năm, cán bộ Hội Nông dân và cán bộ y tế cơ sở đã nhiệt tình, trách nhiệm tổ chức khám sàng lọc cho hàng nghìn lượt người dân ở 13 huyện, thành thị trong tỉnh.
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền vận động, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ hội viên, nông dân, người dân trong cộng đồng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Phấn đấu nhân rộng mô hình phòng, chống lao tiềm ẩn, đồng thời đảm bảo duy trì hoạt động các mô hình lao tại các cơ sở Hội trên địa bàn nhằm góp phần phòng ngừa sự lây lan ra cộng đồng; tiến tới chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vào năm 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.