Dân Việt

Xuất khẩu thịt gà sang thị trường các quốc gia Hồi giáo cần đáp ứng điều kiện gì?

Trần Quang 22/10/2024 12:24 GMT+7
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thúc đẩy chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xanh" diễn ra sáng 22/10, ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus cho biết, so với các quốc gia khác, việc xuất khẩu thịt gà vào thị trường các quốc gia Hồi giáo cần đáp ứng các quy định, điều kiện rất riêng.
Xuất khẩu thịt gà sang thị trường các quốc gia Hội giáo cần đáp ứng điều kiện gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus. Ảnh: Nguyễn Chương

Năm 2026, De Hues sẽ xuất khẩu ức gà sang các thị trường Hồi giáo

Nói về kế hoạch xuất khẩu sản phẩm trong các năm tới tại, ông Nguyễn Quang Hiếu - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus cho hay: "Ngay từ năm 2017, chuỗi sản xuất thịt gà của chúng tôi bao gồm các doanh nghiệp tại miền Đông Nam Bộ đã xuất khẩu thịt gà chế biến vào thị trường Nhật Bản. Trong các năm vừa qua, De Hues đã xây dựng kế hoạch để xuất khẩu sang các nước nói chung và thị trường các quốc gia Hồi giáo nói riêng.

"Thị trường Hồi giáo có các quy định, quy trình kiểm soát chặt chẽ nhất là liên quan đến tín ngưỡng, cụ thể là quy định Halal. Quy định này phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng, tiêu chuẩn chung của các quốc gia Hồi giáo. Tiêu chuẩn Halal lại không công nhận thống nhất với nhau, như Trung Đông có quy định riêng, Malaysia có quy định riêng... Đây là khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

Để có sản phẩm xuất khẩu, đòi hỏi nhiều khâu từ con giống, nhà máy thức ăn, giết mổ, chế biến, các khâu đều phải đảm bảo theo quy định Halal. Bên cạnh khó khăn cũng có các thuận lợi, hầu hết các quốc gia đều coi Việt Nam là đối tác thân thiện, gần gũi nên họ rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của chúng ta. 

Đồng thời, họ quan tâm đến tiêu chuẩn trang trại chăn nuôi và nhà máy giết mổ, chế biến, nhất là nhà máy giết mổ, chế biến theo quy định nghi thức của hồi giáo, đặc biệt là trong khâu này phải có người theo đạo Hồi thực hiện nghi lễ và tham gia vào một số khâu trong giết mổ chế biến...

Ông Hiếu cho biết thêm: "Hiện chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT, đặc biệt trong đó có Cục Thú y, Cục Chăn nuôi... điều đó giúp chúng tôi tiếp tục tiến hành xây dựng các giải pháp hướng đến xuất khẩu. Chúng tôi đang xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực Đông Nam Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đàm phán liên quan đến thú ý...; Đặc biệt, với các quốc gia hồi giáo nói riêng và các quốc gia khác nói chung để tiếp tục tìm kiếm cơ hội xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

"Trong thời gian qua, chúng tôi đã trực tiếp triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ hướng đến năm 2026 tới, De Hues sẽ xuất khẩu được thực phẩm sang các thị trường hồi giáo như ức gà. Ức gà có giá trị cao khi xuất khẩu. Chúng tôi sẽ tập trung vào thịt gà chế biến và ức gà đông lạnh", ông Hiếu tiết lộ

Xuất khẩu thịt gà sang thị trường các quốc gia Hội giáo cần đáp ứng điều kiện gì? - Ảnh 2.

Sáng 9/9, tại Cảng Quốc tế Long An, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng thịt gà sạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Xuân Hinh

Phải chọn các sản phẩm cạnh tranh được khi xuất khẩu

Để đáp ứng tiêu chuẩn "xanh", thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay: "Thực ra phát triển chăn nuôi giai đoạn 2030-2045 cũng đặt mục tiêu từng bước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mà Việt Nam có thế mạnh. Chúng ta hướng tới sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh như thịt gà, sữa, mật ong, yến, có thể cả thịt lợn đông lạnh, mát, nguyên con, đây cũng là định hướng, ta phải có phân khúc thị trường có thể cạnh tranh được".

Thông thường muốn xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu của các nước, nhiều quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc, đây đều là những yêu cầu về mặt kỹ thuật, còn về thương mại, muốn xuất khẩu được thì phải xem sản phẩm chăn nuôi của ta có cạnh tranh được không?

Việt Nam có truyền thống xuất khẩu một số sản phẩm như lợn sữa, lợn xẻ, đông lạnh, ta cũng có một số doanh nghiệp lớn đã định hướng xuất khẩu như thịt gia cầm, đặ biệt là thịt gà lông trắng. Ta phải chấp nhận thị hiếu là lườn gà là sản phẩm chính còn lại là sản phẩm phụ, phân loại sản phẩm cũng rất quan trọng.

Ta đang từng bước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như đã xuất khẩu thịt gà sang thị trường Halal, với quy mô trên 1,2 tỷ dân, đây là thị trường khó tính, ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật còn có tín ngưỡng với các sản phẩm này, các doanh nghiệp có tiềm năng lớn như CP, De Heus thì có thể cạnh tranh được.

Muốn xuất khẩu sản phẩm sang Halal thì ta mở rộng sản phẩm không chỉ chất lượng mà còn có yêu cầu khắt khe về tín ngưỡng, nhiều quy định phải đáp ứng, ta phải chọn các sản phẩm cạnh tranh được, như thịt gà lông trắng, trứng mà ta có lợi thể. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chúng ta sẽ giảm được gánh nặng cho chăn nuôi trong nước khi quy mô đàn ngày càng tăng", ông Chinh khẳng định.