Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, theo chương trình nghị sự. Đây là dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc đang là bài toán chung của nhiều quốc gia, nhất là sau đại dịch Covid-19, không chỉ ở Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng cần đảm bảo nhiều yếu tố tổng thể…
Trong đó, phải giải quyết được vấn đề nguồn cung, đảm bảo đủ thuốc để cung ứng ra thị trường. Muốn làm được như vậy chúng ta phải phát triển được công nghiệp dược trong nước. Giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đấu thầu. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực.
Cùng với đó, theo nữ Bộ trưởng, phải "giải" được bài toán tổng thể từ vấn đề cấp phép lưu hành, mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế…
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác. Nếu quy định tổng hợp hết các chính sách vào dự thảo Luật này thì sẽ rất nhiều.
"Cho nên trong quá trình làm, vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể thì chúng ta sẽ quy định ở các luật chuyên ngành. Trong dự thảo Luật này, chúng ta không thể chỉ được cụ thể mức độ như thế nào mà chúng ta dẫn chiếu để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ.
Về vấn đề thương mại điện tử, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử…
Liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đây là một nội dung rất quan trọng. Cơ quan soạn thảo trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo đã rất thận trọng, cân nhắc để đánh giá toàn diện các quy định pháp luật hiện nay, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các quy định, điều kiện kinh doanh.
Bà Lan nêu rõ, từ trước đến nay Việt Nam luôn bảo lưu quyền phân phối trực tiếp đối với dược phẩm và điều này đã được thể hiện tại các Hiệp định như AVFTA, CPTPP, WTO.
Dự thảo luật đã quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu sản xuất tại Việt Nam thì được hưởng toàn bộ các quyền như nhà đầu tư trong nước bao gồm quyền phân phối, quyền cung cấp cho các cơ sở bán buôn trực tiếp cung cấp thuốc cho cơ sở bán lẻ, cơ sở khám, chữa bệnh...
"Hoạt động này cũng chính là thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam, không phải Việt Nam chỉ là thị trường cho họ buôn bán, đắt thì bán, không đắt, không lợi thì rút, lúc đấy toàn bộ hệ thống về cung cấp dược phẩm cho Việt Nam có vấn đề gì thì chúng ta có sang để bắt được lỗi của các doanh nghiệp buôn bán ở thị trường của mình hay không hay chúng ta vẫn phải dựa vào đảm bảo tính ổn định?", bà Lan đặt vấn đề.
Nữ Bộ trưởng dẫn chứng, vừa rồi Thủ tướng có đi Ấn Độ, Ấn Độ và Trung Quốc là một thị trường rất lớn, cung cấp 70% về nguyên liệu làm thuốc của thế giới nhưng cũng chưa có một doanh nghiệp Ấn Độ nào sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là một lý do Thủ tướng phải đứng ra để kêu gọi thu hút về sản xuất, kinh doanh dược.
"Chúng tôi nghĩ họ phải đến nước mình, phải xây dựng nhà máy ở đây, họ phải sản xuất ở đây thì mới gắn bó với mình, không chỉ là chỗ buôn bán, đề nghị các đại biểu hết sức cân nhắc chuyện này", bà Lan nêu quan điểm.