Đại biểu Quốc hội: Vấn đề tại Kỳ họp thứ 8 rất nóng nhưng "dục tốc bất đạt"
Đại biểu Quốc hội: Vấn đề tại Kỳ họp thứ 8 rất nóng nhưng "dục tốc bất đạt"
Quỳnh Nguyễn (ghi)
Thứ ba, ngày 22/10/2024 06:16 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu nhận định khối lượng công việc cần giải quyết tại Kỳ họp thứ 8 là rất lớn. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cơ quan hữu quan, các dự thảo luật, nghị quyết sẽ được nâng lên, hoàn thành chương trình, nội dung đã đề ra.
Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc rất lớn, thông qua rất nhiều luật, nghị quyết và đều là những vấn đề trọng đại cần tháo gỡ phát triển đất nước.
Với 29,5 ngày họp, bao gồm 4 ngày làm việc vào thứ Bảy, điều đó thể hiện sự quyết tâm của các đại biểu tham dự hội nghị và trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị trình và cơ quan thẩm định.
Trong kỳ họp này, các uỷ ban chuyên trách của Quốc hội cũng dự kiến có những cuộc họp riêng vào các buổi tối để tiếp thu các ý kiến, tiếp tục điều chỉnh, đưa ra được các nội dung, ý kiến về các vấn đề còn khác nhau để thảo luận trên hội trường.
Với sự chuẩn bị của các cơ quan trình hết sức khẩn trương, đầy đủ, đảm bảo thời gian theo quy định, cơ quan thẩm định hết sức trách nhiệm, tôi tin rằng, tại kỳ họp này, các dự thảo luật, nghị quyết sẽ được nâng lên, hoàn thành chương trình, nội dung đã đề ra.
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng:
Với mục tiêu hoàn thiện bộ máy trên tinh thần Nghị quyết Trung ương, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, Kỳ họp thứ 8 lần này là kỳ họp với số lượng các dự án luật được thông qua nhiều, thời lượng kỳ họp dài, Quốc hội có sự cải tiến hoạt động của mình.
Việc xây dựng luật theo thẩm quyền của Quốc hội, còn các vấn đề chi tiết, cụ thể hóa do Chính phủ thực hiện. Đặc biệt, cơ sở cũng phải năng động, phát triển, dám nghĩ dám làm. Bức tranh tăng trưởng bền vững, an sinh xã hội tốt đều phải xuất phát từ cơ sở.
Để hoàn thiện khung pháp luật, đại biểu mong muốn các dự án luật phải phản ánh đời sống thực tại, vướng mắc của cơ sở trong quá trình phát triển.
Hiện nay, tôi quan tâm và lo ngại về việc chồng chéo quy hoạch, nếu có vấn đề, khi phải sửa lại quy hoạch sẽ rất phức tạp. Để đất nước tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững cần chú ý tới vấn đề này. Cần có các giải pháp khắc phục những chồng lấn quy hoạch; cần hoàn thiện quy hoạch. Vấn đề điều chỉnh Luật Khoáng sản cũng là vấn đề tôi quan tâm kỳ này.
Tôi có rất nhiều kỳ vọng vào kỳ họp này. Cử tri cũng mong đợi những quyết sách quan trọng của kỳ họp này. Bằng trí tuệ của Quốc hội và các dự án tương đối hoàn thiện, tôi hy vọng kỳ họp sẽ có kết quả tốt.
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên:
Tại Kỳ họp thứ 8, tôi quan tâm đến Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi. Đặc biệt, tôi sẽ tiếp tục có đóng góp, đề xuất về việc BHYT chi trả các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng nặng, cấp tính.
Hiện có 2-3% trẻ em bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng, cấp tính. Những trẻ này cần sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt. Tuy việc thí điểm sử dụng các sản phẩm chuyên biệt đã được chứng minh hiệu quả, nhưng hiện chưa được đồng ý chi trả cho các sản phẩm này.
Điều này đã được đề xuất trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) và tôi sẽ tiếp tục đề xuất trong Luật BHYT sửa đổi tại kỳ họp lần này. Hy vọng trong kỳ họp này, ý kiến các đại biểu được tiếp thu và có những chính sách phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương:
Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp dài nhất từ trước đến nay. Trong kỳ họp có đến 28 luật xem xét, trong đó có 15 luật xem xét thông qua và 13 luật mới, đồng thời có thêm các nghị quyết…, có thể thấy khối lượng công việc rất lớn.
Những vấn đề tại kỳ họp Quốc hội lần này đều là những vấn đề "nóng". Đây đều là những nội dung cử tri rất quan tâm và mong mỏi về những quyết sách lớn. Ngoài ra, như thường lệ cũng sẽ có phiên giải trình, báo cáo về các ý kiến của cử tri giải quyết trong kỳ họp vừa qua như thế nào?
Mặc dù khối lượng công việc khổng lồ, nhưng các dự án luật đưa ra xem xét, bàn thảo cho ý kiến đều là những luật rất cấp bách, nếu không sửa thì không tháo gỡ được. Những dự án luật còn ý kiến như Luật Điện lực (sửa đổi) thì nên cho ý kiến thông qua 1 kỳ hay 2 kỳ họp?
Cá nhân tôi thấy rằng, nếu Quốc hội tập trung và thông qua được 15 luật sẽ tháo gỡ được nhiều vấn đề. Tính cấp bách là rõ ràng, tuy nhiên "dục tốc bất đạt", cần theo tinh thần Kết luận 19 của Bộ Chính trị về công tác lập pháp.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 21/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận tại kỳ họp. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.
"Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật. Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định…, đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.