Dân Việt

Cho vay nặng lãi 730%/năm, phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?

Phi Long 23/10/2024 15:18 GMT+7
Theo luật sư, tổ chức, cá nhân nào cho vay tiền với lãi suất vượt quá 20%/năm sẽ trái với quy định của pháp luật và họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tạm giam đối tượng cho vay nặng lãi ở Quảng Nam

Một người phụ nữ đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố về tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" vào ngày 19/10 vừa qua.

Trước đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam tiếp nhận nhiều đơn thư tố giác của các công dân, tố cáo đối tượng Trịnh Thị Ngân (SN 1986, trú xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2023, Trịnh Thị Ngân đã chuyển cho T.T.Q.C. vay 70 khoản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, thời hạn vay từ 10 đến 29 ngày với mức lãi suất 15-20% trên số tiền vay. Như vậy, mức lãi suất thấp nhất là hơn 347%/năm và cao nhất 730%/năm. Đối tượng Ngân được xác định thu lợi bất chính hơn 222 triệu đồng.

Hiện tại vụ án đang được Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam điều tra mở rộng, xử lý theo quy định. Nhà chức trách thông báo ai là bị hại của vụ án trên tiếp tục liên hệ với đơn vị để trình báo.

img

Công an tỉnh Quảng Nam đọc Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Thị Ngân về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Ảnh: CA.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Còn Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Người cho vay nặng lãi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ. 

Như vậy theo luật sư Sơn, tổ chức, cá nhân nào cho vay tiền với lãi suất vượt quá 20%/năm sẽ trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp cá nhân không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền quá tỷ lệ lãi suất quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra người vi phạm sẽ buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được đối với hành vi cho vay lãi vượt mức quy định.

Trường hợp người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.