Dân Việt

ĐBQH - Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: "Chỉ cần gửi tin nhắn Zalo sẽ có thuốc ship đến tận nhà"

Quỳnh Nguyễn 22/10/2024 13:37 GMT+7
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện nay chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Việc bán thuốc online chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ.

Đây là một trong những bất cập trong lĩnh vực y tế được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chỉ ra khi cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Dự luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, được các đại biểu tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

"Bán thuốc online - cấm không được thì phải quản chặt"

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng tình với nhiều ý kiến rằng bán thuốc online hiện nay gây nguy hại cho sức khỏe. Những sản phẩm quảng cáo không phải là thuốc cũng gây bức xúc rất lớn.

"Vì vậy tôi hoàn toàn đồng ý cho việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, vì hiện nay đã và đang diễn ra. Ví dụ, chúng ta chỉ cần gửi tin nhắn Zalo đến nhà thuốc thì ngay lập tức sẽ có thuốc ship đến tận nhà. Việc chúng ta cấm không được mà cần phải quy định chặt chẽ việc này", đại biểu Hiếu nêu quan điểm.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: "Chỉ cần gửi tin nhắn sẽ có thuốc ship đến tận nhà" - Ảnh 1.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra nhiều bất cập trong kinh doanh thuốc online hiện nay. Ảnh: Media Quốc hội

Điều đầu tiên ông Hiếu muốn nhấn mạnh đó là những thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, bởi theo ông, hiện nay rất nhiều thuốc xách tay như thực phẩm chức năng mang về bán online.

Thứ hai, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn (otc) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử và bệnh án điện tử.

Cạnh đó, nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành và thẩm định cấp phép, nên bắt đầu thử nghiệm ngay tại các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai đầy đủ bệnh án điện tử.

"Tôi nghĩ ngay sau khi Luật Dược sửa đổi thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản lý được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực", ông Hiếu nói.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, Bộ Y tế cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội. Đơn vị này sẽ là nơi tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo.

Ông Hiếu nêu thực tế, trên thực tế hiện nay, các bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng rất nhiều, không biết cách báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này.

Chính vì vậy, những thuốc quảng cáo sai, không đúng sự thật phải công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web, app ứng dụng của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Đồng thời, cần cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc. Có như vậy chúng ta mới giảm được tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội.

"Một viên thuốc được qua mấy nấc trung gian?"

Cũng là một đại biểu có chuyên môn sâu về lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) đề nghị quy định rõ nấc trung gian và tỷ lệ lợi nhuận cho phép đối với dược phẩm để tránh việc mua bán lòng vòng làm tăng giá.

"Một công ty nhưng có hàng chục nghìn nhà phân phối và cơ sở bán lẻ, quy định hiện hành cũng không có phương thức, giải pháp nào để tăng cường quản lý", bà Lan nêu thực tế.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: "Chỉ cần gửi tin nhắn sẽ có thuốc ship đến tận nhà" - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu sáng 22/10. Ảnh: Media Quốc hội

Bà Lan đánh giá Luật Dược 2016 "đã thất bại" trong quản lý các tầng nấc trung gian ngành kinh doanh dược phẩm. Sau khi có luật này, tỷ lệ các nhà thuốc tăng vọt nhưng không kèm theo quy định phù hợp về biên chế thanh tra; vốn; khoảng cách tối thiểu giữa các nhà thuốc.

Theo nữ đại biểu, muốn quản lý giá thuốc, Bộ Y tế cần quy định rõ "một viên thuốc được qua bao nhiêu tầng nấc trung gian, tỷ lệ lợi nhuận cho phép là bao nhiêu". Nếu chỉ trông đợi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tự nguyện kê khai sẽ không đảm bảo minh bạch. Tình trạng mua bán lòng vòng, bán thuốc kê đơn thoải mái hoặc trà trộn thuốc giả, thuốc kém chất lượng vẫn xảy ra.

Phát biểu góp ý, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, cơ sở nhập khẩu thuốc thường xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó, họ đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. "Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao", bà Hà nói.

Dự luật nêu các cơ sở công bố giá bán buôn thuốc dự kiến. Song, Bộ Y tế không rà soát mà chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã được lưu hành. Ngoài ra, Dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.

"Vậy một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Tôi cho rằng quản lý về giá thì cần phải quản lý tất cả các loại thuốc", đại biểu nói.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: "Chỉ cần gửi tin nhắn sẽ có thuốc ship đến tận nhà" - Ảnh 3.

Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Media Quốc hội

Bên cạnh đó, dự thảo nêu khái niệm về Giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm ngăn chặn hình thức mua bán lòng vòng để tăng giá thuốc. Tuy nhiên, mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu, sản xuất thuốc xác định, doanh nghiệp kinh doanh thuốc khác phải thực hiện theo. Quy định này có thể dẫn đến độc quyền thuốc trên thị trường.

"Thuốc là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cử tri rất mong muốn và hy vọng giá thuốc cũng phải quản lý đặc thù theo quy định của luật chuyên ngành", bà Nhị Hà nói và đề nghị Ban soạn thảo quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi khi triển khai.