Dân Việt

Đầu nguồn sông Tiền ở Đồng Tháp, nước đỏ như son, dân bắt được loài cá tên nghe quen, nhìn thì lạ

Mỹ Lý 22/10/2024 13:58 GMT+7
Khi mùa nước nổi về, cuộc sống mưu sinh bằng nghề “ăn cá”, trong đó có cá khoai nước ngọt lại bắt đầu tại vùng đầu nguồn sông Tiền ở tỉnh Đồng Tháp. Hòa theo con nước, nhịp sống của người dân vùng thượng nguồn luôn mang theo bên mình ước mơ giản dị về một mùa đánh bắt cá bội thu…

Hơn 1 tháng qua, dù nắng hay mưa, cứ đều đặn khoảng 4 giờ sáng là bà Nguyễn Thị Lợi (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cùng em trai Nguyễn Văn Cấu và 2 người con trai của bà Lợi đã có mặt trên cánh đồng nước mênh mông của xã Thường Thới Hậu A để đánh bắt cá đồng các loại. 

img

 Gia đình bà Nguyễn Thị Lợi và ông Nguyễn Văn Cấu kéo lưới trên cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp có vị trí địa lý tự nhiên đặc biệt: một mặt là hạ lưu của sông Mê Công, mặt khác là thượng nguồn của sông Tiền lẫn sông Hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Sau 1 ngày làm việc miệt mài từ 4 giờ sáng đến khoảng 14 giờ chiều, gia đình của bà Lợi và ông Cấu thu hoạch được khoảng 100kg cá đồng, cá sông các loại. 

Trong 100 kg cá đồng mà bà Lợi, ông Cấu đánh bắt được thì nhiều nhất là cá linh, cá khoai nước ngọt, mè dinh, cá leo, cá thiểu, cá lòng tong... 

Cá đồng mùa nước nổi Đồng Tháp được gia đình bà Lợi phân loại kỹ. Đối với cá đặc sản (cá ngon, cá hiếm) sẽ được rọng lại (trữ cá sống) trong túi lưới. 

Riêng cá mồi (cá tạp, cá rẻ tiền) dùng để ủ nước mắm được bảo quản riêng trong thùng xốp chứa nước đá để bán cho các cơ sở ủ mắm và ủ nước mắm cá linh.

img

Cận cảnh loài cá khoai nước ngọt - một trong những loài cá đặc sản vùng đầu nguồn sông Tiền ở Đồng Tháp và cũng là sản vật mùa nước nổi được nhiều người yêu thích.

Trung bình mỗi ngày sau khoảng 10 tiếng kéo lưới ngược xuôi trên đồng nước nổi, gia đình bà Lợi và ông Cấu có thu nhập khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng. 

Mặc dù nghề “ăn cá” trên đồng mùa nước nổi tuy nhiều vất vả nhưng với người dân vùng thượng nguồn đây là mùa được trông đợi nhất trong năm.

Ông Nguyễn Văn Cấu tâm sự: “Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng 7 âm lịch, khi nước lũ đỏ au từ thượng nguồn đổ về, con nước bắt đầu ngấp nghé đồng là chị em tôi lại rủ nhau ra đồng “ăn cá”. 

Bao năm gắn bó với nghề này, chúng tôi đã quen với nhịp sống trôi theo con nước, dù mưa nắng thất thường, cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng niềm vui khi kéo lưới được những mẻ cá đầy ắp vẫn luôn là động lực thôi thúc chúng tôi gắn bó với nghề”.

img

 Bà con phấn khởi với thành quả đánh bắt cá đồng trên đồng nước nổi sau 1 ngày ở cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Đối với cư dân sống bằng nghề “ăn cá” mùa nước son, niềm vui của bà con lại đơn giản vô cùng. Bà vẫn nhớ như in niềm hạnh phúc khi kéo lưới được 2 con cá leo nặng trĩu. 

“Hôm đó, cả nhà mừng như bắt được vàng, nhìn 2 con cá leo trong lưới, lòng vui không tả nổi. 2 con nặng hơn 6kg, bán được gần 1 triệu đồng, đủ để cả nhà mua gạo ăn cả tháng”, bà Lợi cười tít mắt chia sẻ.

Cùng với gia đình bà Nguyễn Thị Lợi, hàng chục hộ dân khác trên cánh đồng xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cũng tất bật mưu sinh trong mùa nước nổi. 

Mỗi gia đình cùng đi trên chiếc xuồng nhỏ, len lỏi khắp các cánh đồng. Mỗi người một việc, người giăng lưới, người đảm nhận công việc đặt lọp... tạo nên một không khí lao động khẩn trương, đầm ấm.

Sau khoảng thời gian lao động tất bật, khi gần về trưa, nhiều xuồng ghe đánh bắt cá neo đậu lại, nghỉ ngơi. Một số gia đình tranh thủ lót dạ bằng bữa cơm nấu vội trên đồng nước.

img

Bữa cơm giản dị của 4 anh em nhà anh Trương Văn Linh (bìa trái) sau những giờ đánh bắt cá đồng trên đồng nước nổi huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Đảm nhiệm vai trò làm “anh nuôi” nấu cơm cho 4 anh em sau 1 ngày lặn lội trên đồng nước, anh Trương Văn Linh (ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cười sảng khoái nói: “Đâu có nấu món gì cao sang, với mớ cá tươi kéo lưới lúc sớm giờ đem kho lạt, chấm với mớ rau muống đồng vừa hái là anh em chúng tôi có được bữa trưa “thịnh soạn” rồi. Ăn cơm trên đồng dù đơn sơ, đạm bạc nhưng lại đầy nghĩa tình”.

Cũng giống như gia đình bà Lợi và ông Cấu, 4 anh em của anh Linh đều không có đất canh tác nông nghiệp. 

Vào mùa khô, các anh đi làm thuê để mưu sinh. Đến mùa nước nổi, các anh lại hẹn nhau lên đồng để bắt cá. 

Trung bình mỗi ngày đánh bắt, các anh có thu nhập khoảng 200 - 300 ngàn đồng/người. Mặc dù vất vả nhưng mùa nước nổi lại mang đến nhiều cá, tôm và sản vật giúp cho gia đình các anh có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Mùa nước nổi không chỉ là thời điểm mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất thượng nguồn nhiều sản vật và nguồn lợi thủy sản dồi dào, mà còn là dịp để cộng đồng dân cư nơi đây thêm gắn kết. 

Những chiếc xuồng nhỏ len lỏi giữa những cánh đồng lúa ngập nước, những người dân cần mẫn với công việc tạo nên một bức tranh lao động đầy màu sắc. 

Mùa nước nổi Đồng Tháp rồi cũng qua đi nhưng những giá trị mang lại sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí của người dân vùng thượng nguồn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.