Ngày 22/10, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng của năm 2024.
Nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, lao động việc làm… đã được lãnh đạo các sở, ngành thông tin cụ thể. Trong đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã thông tin về kế hoạch và đề án di dời các nhà xưởng, công ty ngoài khu công nghiệp, xen lẫn trong khu dân cư tại địa phương.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay sở này và nhiều cơ quan ban ngành phối hợp, hoàn thiện đề án di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc đồng thời ban hành bộ tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện di dời các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp (KCN) nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn các TP.Thuận An; TP.Dĩ An; TP.Thủ Dầu Một; TP.Tân Uyên và TP.Bến Cát lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh.
Sở Công Thương đã đưa ra dự thảo 5 tiêu chí gồm môi trường, phòng cháy chữa cháy, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, công nghệ tiên tiến, chấp hành quy định. Ngoài ra, sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, đô thị.
Được biết, địa điểm doanh nghiệp được Bình Dương tổ chức di dời đến đã được quy hoạch sẵn. Hiện có 8 KCN phục vụ di dời, tổng diện tích khoảng 5.842ha, gồm các KCN: Cây Trường, Bàu Bàng 3, Bàu Bàng 4, Bắc Tân Uyên 2, Bắc Tân Uyên 4, Dầu Tiếng 1A, Dầu Tiếng 5 và Phú Giáo 4.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã quy hoạch 25 cụm công nghiệp (CCN) phục vụ di dời với tổng diện tích khoảng 1.743ha tại các huyện Dầu Tiếng (10 cụm, 725ha), Bắc Tân Uyên (7 cụm, 493,5ha), Phú Giáo (8 cụm, 524,46ha).
Về việc sử dụng mặt bằng các doanh nghiệp đã di dời, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công năng, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh.
Sở Công Thương Bình Dương cũng cho biết ước tính, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời gần 289.000 người. Theo đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động sẽ được xây dựng cụ thể, rõ đối tượng, nội dung thụ hưởng linh hoạt, sát tình hình thực tế để đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích người lao động, doanh nghiệp và nhà nước.
Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho hay liên tiếp trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đang tích cực mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp theo mô hình xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data... giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động nội tỉnh.