Dân Việt

Đại tướng Lương Tam Quang: Luật Dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số

Quỳnh Nguyễn 22/10/2024 15:40 GMT+7
Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình dự án Luật Dữ liệu.

Đại tướng Lương Tam Quang nêu lý do đề xuất lập quỹ phát triển dữ liệu quốc gia - Ảnh 1.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình dự án Luật Dữ liệu, chiều 22/10. Ảnh: Media Quốc hội

Cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính

Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, với 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu...

Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, như Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc. Việc này giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt.

Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương. Cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng.

Bảo đảm rõ ràng, minh bạch Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Dữ liệu là đề xuất lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.

Theo dự thảo luật, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ các nguồn: Hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước và từ các nguồn khác theo quy định pháp luật.

Dự kiến, Quỹ được ưu tiên chi cho hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn, chuỗi khối, Internet vạn vật và các công nghệ cao khác trong xử lý dữ liệu; hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia…

Đại tướng Lương Tam Quang nêu lý do đề xuất lập quỹ phát triển dữ liệu quốc gia - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan này cơ bản nhất trí quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia. Đồng thời, đề nghị làm rõ về các nguồn tài chính hình thành quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách Nhà nước, hoạt động được chi từ quỹ, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát, làm rõ hơn về mô hình tổ chức, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia; làm rõ tiến độ, hiệu quả của việc triển khai xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; đồng thời có thêm báo cáo làm rõ các phương án ứng phó, giải quyết những vấn đề có thể phát sinh để tránh nguy cơ trong việc lộ lọt, mất an ninh, an toàn thông tin.