Dân Việt

Nuôi chim “quý tộc” nguồn gốc hoang dã, có tên trong sách Đỏ, một người Hà Tĩnh bán 6 triệu/cặp

Nguyễn Hoàn 23/10/2024 12:54 GMT+7
Chim trĩ, trong đó có chim trĩ đỏ vốn là một loài động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ được ông Hoàng Văn Thường, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) nuôi thành công. Từ 6 cặp chim quý hiếm ban đầu đến nay trang trại nuôi con đặc sản của ông đã nhân giống lên hàng trăm con, thu nhập trăm triệu đồng mỗi năm.

Clip: Mô hình nuôi chim trĩ 7 màu, trong đó có giống chim trĩ đỏ của gia đình ông Thường, nông dân nuôi con đặc sản ở xã xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). Ông Thường cho hay, vốn là loài động vật hoang dã nên chim trĩ dễ nuôi, nuôi như nuôi gà...

"Liều" nuôi chim quý hiếm co nguồn gốc hoang dã

Chim trĩ, trong đó có chim trĩ đỏ nằm trong sách Đỏ Việt Nam là một trong những loài chim hoang dã, được thuần dưỡng nuôi phổ biến để lấy thịt, lấy trứng như các loài gia cầm thông dụng. 

Để nuôi làm cảnh thường lựa chọn giống chim trĩ 7 màu, được biết đến loài chim đẹp nhất thế giới. Đồng thời cũng là một giống chim được giới săn chim cảnh mê mẩn.

Việc sở hữu giống chim quý hiếm có tên trong sách Đỏ này hết sức khó khăn nhưng bây giờ đã dần phổ biến. Không phải ai cũng dám bỏ tiền ra để mua giống về nuôi vì giá rất đắt đỏ, mỗi cặp chim giống 5-6 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Thường, ở thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: "Năm 2018, trong một lần có dịp ra miền Bắc, tôi được chứng kiến mô hình nuôi chim trĩ làm cảnh rất đẹp. 

Qua tìm hiểu, giống chim trĩ dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau lần đó, tôi quyết định xây dựng chuồng trại và mua 6 cặp chim giống về nuôi với giá 30 triệu đồng".

Nông dân Hà Tĩnh nuôi chim “quý tộc”, giá bán đắt đỏ, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Gia đình Ông Hoàng Văn Thường, ở thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), bước đầu thành công với mô hình nuôi chim trĩ-có nguồn gốc là loài chim hoang dã, có tên trong sách Đỏ, mang lại thu nhập cao. Ảnh: PV.

Trên diện tích 100 m2 đất vườn, ông Hoàng Văn Thường làm các ô chuồng kiên cố, liền kề nhau, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2m2, được bao xung quanh bằng lưới thép B40. 

Phía trên lợp mái tôn tránh chim bay ra ngoài; phía trong chuồng bắc các thanh gỗ hay cành cây ngang cho chim đậu; phía dưới nền cát hút nước tốt để chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Hoàng Văn Thương, chia sẻ: "Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc chim trĩ, tôi khá lo lắng. Nhưng được con trai hỗ trợ cách tham gia các hội nhóm chăn nuôi chim trĩ trên kênh mạng xã hội và xem các mô hình đã nuôi ở nhiều địa phương khác. Dần dần tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm để áp dụng chăm sóc đàn chim tốt hơn".

Nông dân Hà Tĩnh nuôi chim “quý tộc”, giá bán đắt đỏ, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Hiện mô hình nuôi chim trĩ của ông Hoàng Văn Thường, ở thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) từ 6 cặp giống ban đầu đã tăng lên 200 con và xuất bán được trên 30 cặp cho thu nhập trăm triệu đồng. Ảnh: PV

"Loài chim trĩ khi mua về đã được thuần hóa và nuôi nhốt hoàn toàn. Khi nắm vững được kỹ thuật, cách chăm sóc chúng không quá cầu kỳ, nhưng đây cũng là động vật nhạy cảm, sức đề kháng kém. Bởi vậy, bên cạnh lựa chọn con giống đảm bảo, cần vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hằng ngày, thức ăn. Đặc biệt, cần tiêm phòng đầy đủ", ông Thường, bật mí.

Nông dân Hà Tĩnh nuôi chim “quý tộc”, giá bán đắt đỏ, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Chim trĩ 7 màu được xem là loài chim "quý tộc", có giá bán cao, được thương lái ưa chuộng. Ảnh: PV.

Giai đoạn chim trĩ trưởng thành có thể thả mỗi ô chuồng 5-7 con (vào giai đoạn sinh sản). Để chim trĩ đẻ trứng, chọn con trống đẹp, khỏe ghép 1 chim trống với 3 chim mái, mỗi chim mái cho từ 20-25 quả trứng trong vòng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6).

Do chim trĩ không biết ấp, nên qua tìm hiểu, ông Thường đã đầu tư máy ấp trứng công nghiệp cỡ nhỏ, bảo đảm nguồn nhiệt ổn định, giúp tỷ lệ trứng nở đạt gần 70%.

Giống chim "đắt xắt ra miếng"

Biết cách chăm sóc, chim trĩ con sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt, lớn nhanh. Năm 2020, ông Thường đã nhân giống lên 15 cặp và tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại lên 300 m2 bằng cách cải tạo lại chuồng nuôi gà trước kia để nuôi giống chim trĩ quý này.

Hiện nay, mô hình chim trĩ bắt đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ô Thường khi các lứa chim con ra đời, được chăm sóc phát triển tốt, bắt đầu bán chim giống.

Nông dân Hà Tĩnh nuôi chim “quý tộc”, giá bán đắt đỏ, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Theo ông Hoàng Văn Thường, để chim trĩ phát triển tốt, chuồng trại cần thoáng mát, dưới nền lót rơm khô, vỏ trấu, có không gian đủ rộng để chim bay nhảy. Ảnh: PV.

Ông Hoàng Văn Thường, cho biết: "Sau khi ấp nở, con giống ở độ tuổi từ 1-3 tháng, bán với giá 1.600.000 đồng/cặp; từ 4-7 tháng bán với giá 2.200.000 đồng/cặp; chim trĩ trưởng thành (khoảng 2 năm), trọng lượng 1,5-2kg/con bán với giá 6 triệu đồng/cặp.

Tính đến nay, tôi giữ lại nuôi 200 con (trong đó có 50 cặp chim bố mẹ). Mô hình nuôi chim trĩ đã xuất bán trên 30 cặp, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng".

Theo ông Thường, nuôi chim trĩ chi phí đầu tư thấp, chuồng trại dễ làm, không cần nhiều diện tích, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Ngoài bổ sung một ít thức ăn công nghiệp dành cho chim thời kỳ còn nhỏ, chim trĩ này chủ yếu ăn các nguyên liệu có sẵn như: ngô nghiền, lúa, cám, rau muống, thân cây chuối...

Trung bình mỗi ngày, chỉ dành 30 phút đề cho chim trĩ ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Sệ sinh chuồng trại để đảm bảo chim phát triển khoẻ mạnh, thay lông đẹp.

Nông dân Hà Tĩnh nuôi chim “quý tộc”, giá bán đắt đỏ, đút túi hàng trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Chim trĩ vốn là loài động vật hoang dã nên có sức sống, khả năng thích ứng và kháng cự mạnh mẽ đối với bệnh tật. Nuôi loài chim quý hiếm này không khác gì nuôi gà. Ảnh: PV.

"Từ khi gắn bó với mô hình nuôi chim trĩ, tôi được mở rộng tầm mắt, được giao lưu học hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như cách làm hay thông qua các hội nhóm trên kênh facebook. Thông qua kênh này, nhiều khách hàng trên khắp cả nước, như ở các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hoà, Quảng Ngãi.... đã mua chim trĩ của gia đình chúng tôi.

Hiện tại, chim trĩ giống không đủ để cung cấp ra thị trường. Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu chim trĩ thương phẩm, tăng số lượng chim bố mẹ để cung cấp con giống", ông Thường nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, cho biết: "Giống chim trĩ được hộ dân Hoàng Văn Thường nuôi thử nghiệm. Qua theo dõi đánh giá, đây là mô hình mới nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hạn chế được gây ô nhiễm môi trường nông thôn, không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc, phù hợp với phát triển kinh tế nông hộ".

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá, tuyên truyền vận động người dân đến tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi chim trĩ của ông Hoàng Văn Thường. Qua đây, nhân rộng mô hình nuôi chim trĩ, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập chi người dân địa phương", ông Phan Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Bắc, nói.