Dân Việt

Lãi gấp 28 lần, vì sao Thủy sản Nam Việt vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm?

Nguyễn Phương 24/10/2024 14:48 GMT+7
Doanh thu quý III/2024 cao nhất 5 năm, lãi ròng gấp 28 lần cùng kỳ nhưng Công ty CP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV) vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm nay.

Navico-doanh thu quý III/2024 cao nhất 5 năm, lãi ròng gấp 28 lần cùng kỳ

Chi phí vận chuyển - biến động gấp 2-3 lần cùng kỳ trong 2 quý gần nhất - là một trong những nguyên nhân ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Nam Việt-Navico vốn đã rất mỏng (so với doanh thu).

Kết thúc quý III/2024, Công ty CP Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.341 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 27,8 tỷ đồng, cao gấp 28 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Navico đạt 3.550 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 42,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 9 tháng đầu năm 2023.

Lãi gấp 28 lần kết thúc quý III, Thủy sản Nam Việt vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm - Ảnh 1.

Kết thúc quý III/2024, CTCP Nam Việt (Navico - HoSE: ANV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.341 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 27,8 tỷ đồng, cao gấp 28 lần cùng kỳ.

Trong năm nay, Navico đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 71% mục tiêu doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận.

Hoàn thành kế hoạch lãi sau thuế 306 tỷ đồng năm nay rõ ràng đã trở nên xa vời đối với Nam Việt-Navico trong bối cảnh tình hình xung đột chưa có dấu hiệu ngã ngũ, giá cước tàu khó giảm ngay trong quý IV/2024. Điều có thể kỳ vọng là bức tranh xuất khẩu cuối năm khởi sắc hơn nhưng có lẽ đạt được một nửa mục tiêu đã là thành công của Nam Việt-Navico.

Số liệu Hải quan Việt Nam cũng cho thấy xuất khẩu cá tra lạc quan sau 3 quý, tăng 8% và ghi nhận kim ngạch 1.5 tỷ USD. Nam Việt-Navico đứng thứ 2 về xuất khẩu cá tra trong thị trường nội địa với thành phẩm cá đông lạnh chiếm 80% cơ cấu doanh thu.

Chứng khoán KB (KBSV) trước đó kỳ vọng sự phục hồi của ngành cá tra nửa cuối năm dựa vào thị trường Mỹ. Giá cá tra xuất khẩu khả năng tăng nhẹ do thiếu hụt nguồn cung. Sắc lệnh cấm bán cá minh thái từ Nga cũng được cho là có thể giúp cá tra Việt Nam và Nam Việt-Navico hưởng lợi.

Lãi gấp 28 lần kết thúc quý III, Thủy sản Nam Việt vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm - Ảnh 2.

ANV đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng gấp 8 lần so với năm 2023.

Động thái mới nhất trong lộ trình tăng vốn gấp đôi của Nam Việt 

Mới đây nhất, Nam Việt đã thông báo ngày 8/11 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Theo đó, Nam Việt dự kiến phát hành 133,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc nhận được tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Nam Việt.

Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của Nam Việt sẽ tăng lên 2.666 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện tại. Điều này sẽ giúp Nam Việt trở thành doanh nghiệp cá tra có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán.

Cho đến nay, nhiều tổ chức tài chính vẫn đánh giá triển vọng kinh doanh năm nay của Nam Việt sẽ tích cực hơn khi giá xuất khẩu cá tra dự kiến phục hồi trong bối cảnh nhu cầu của Mỹ và nhiều thị trường khác tăng và nguồn cung giảm.

Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người dân tăng trở lại, nhất là những tháng cuối năm. Mảng tiêu thụ cá tra của Nam Việt sẽ tốt hơn. Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung thu hẹp.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc từ quý IV/2024, qua đó giúp tăng giá cá tra xuất khẩu thêm ít nhất 10% so với giá hiện tại.

Đối với Thủy sản Nam Việt, hoạt động kinh doanh của công ty rõ ràng là sẽ được hưởng lợi từ thị trường Mỹ khi tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% và giá bán tại Mỹ có thể hồi phục trở lại. Chưa kể, Thủy sản Nam Việt cũng đang đẩy mạnh tệp khách hàng tại Trung Quốc, nhằm gia tăng doanh số tại thị trường này.

Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, hiện công ty đang là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, gồm 250 ha vùng nuôi truyền thống, giúp cung cấp đến 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, giúp cung cấp đến 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm.

Thủy sản Nam Việt đang sở hữu 20.000 cặp cá bố mẹ có khả năng sản xuất 14 tỷ con cá giống. Với nhà máy thức ăn có công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, Thủy sản Nam Việt có khả năng cung cấp 100% thức ăn cho vùng nuôi cá giống có diện tích 150 ha của công ty.

Nam Việt cũng đang vận hành 04 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến lên đến 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày và đạt đầy đủ các chứng nhận chất lượng ISO, Global GAP, HACCP, IFS, BRC, GMP và HALAL.

Lãi gấp 28 lần kết thúc quý III, Thủy sản Nam Việt vẫn khó hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm - Ảnh 3.

Được biết, Nam Việt đã công bố thông tin về việc chi trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông công ty.

Theo đó, Nam Việt thống nhất việc chi trả cổ tức năm 2023 với tỉ lệ 5% bằng tiền tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng và ngày thanh toán vào 27/12/2024.

Với hơn 133 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, dự kiến Nam Việt sẽ chi hơn 66,5 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông công ty.

Trước đó, từ năm 2020-2022, Nam Việt từng duy trì trả cổ tức ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm một nửa về còn 500 đồng/cổ phiếu vào năm 2023, mức cổ tức thấp nhất từng chia. Một phần lý do là vì năm 2023 là năm kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp ngành thủy sản nói chung và Nam Việt nói riêng.