Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 24/10, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án của Toà án nhân dân TP.HCM đồng nghĩa với việc bà không đồng ý toàn bộ các quyết định của bản án sơ thẩm.
Theo quy trình, bà Lan gửi đơn kháng cáo đến tòa án đã xét xử sơ thẩm (Toà án nhân dân TP.HCM) hoặc tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền (Toà án nhân dân cấp cao tại TP.HCM). Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án.
Cũng theo luât sư Tuấn, sau khi nhận được đơn kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định.
Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ. Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi đơn kháng cáo cho tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
Việc kháng cáo phải được tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu của người kháng cáo.
Luật sư Tuấn cho biết thêm, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, chánh án tòa án cấp phúc thẩm phân công thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
"Do bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án nên tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Sau khi thụ lý vụ án, tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 20 ngày, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao", luật sư Tuấn giải thích.
Liên quan đến vụ án, TAND Cấp cao TP.HCM cho biết sẽ xem xét kháng cáo bản án tử hình của bà Trương Mỹ Lan về tội tham ô gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng cho SCB (giai đoạn một vụ án) từ ngày 4 đến 25/11.
Tòa phúc thẩm cũng xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 46 bị cáo khác về các sai phạm liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó có ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước)...
Riêng ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch tập đoàn Capella xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan.
Tòa cũng xem xét kháng cáo của bị hại trong vụ án là SCB cùng một số cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
HĐXX gồm 3 thẩm phán cao cấp, do Chánh Tòa kinh tế TAND Cấp cao tại TP HCM Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa.
Tham gia phiên tòa có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan. Bà Lan có 5 luật sư tham gia bào chữa là Phan Trung Hoài, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Thị Huyền Trang.
Trước đó, tháng 4, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù cho tội Vi phạm quy định cho vay, 20 năm cho tội Đưa hối lộ, và tử hình cho tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt mà bà Lan phải chấp hành là tử hình. 85 đồng phạm khác bị phạt từ 3 năm tù treo đến tù chung thân.
Ở vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, ngày 17/10, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Lan mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bà Lan bị cáo buộc về hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng.