Chiều 17/10, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Theo HĐXX, bị cáo Lan với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có quyền quyết định cao nhất, chi phối mọi hoạt động của SCB; là người đưa ra chủ trương, phân công cho các bị cáo khác thực hiện các hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại. Ngoài ra, bị cáo còn chỉ đạo cắt đứt dòng tiền để che giấu nguồn gốc số tiền hơn 415.000 tỷ đồng có nguồn gốc phạm tội mà có.
Từ đó, HĐXX đồng ý với quan điểm của VKS, xác định bà Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án, tuyên mức án chung thân cho 3 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) bị phạt 2 năm tù về tội Rửa tiền, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) lĩnh 5 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại bị phạt mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 23 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền chiếm đoạt Trương Mỹ Lan sử dụng vào mục đích cá nhân nên buộc người phụ nữ này phải bồi thường toàn bộ 30.081 tỷ đồng thiệt hại cho các bị hại.
Quá trình điều tra, bà Lan cùng nhiều đồng phạm nộp lại hơn 400 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Về số tiền trên, HĐXX tuyên tiếp tục giữ để khắc phục hậu quả để thi hành án và sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo HĐXX, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) chỉ đạo nhân viên SCB tư vấn khách hàng mua trái phiếu. Giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền của các bị hại. Bị cáo cũng ký hơn 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, giúp sức cho Trương Mỹ Lan. Khi lượng hình cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, mức hình phạt thấp hơn Lan nhưng cao hơn các bị cáo khác,
Bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty SPG) giúp Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, giúp bị cáo Lan che giấu, hợp thức số tiền. Do đó, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
HĐXX xét thấy các bị cáo tại ngân hàng SCB và Công ty chứng khoán Tân Việt và 29 bị cáo khác phạm tội từ 2 lần trở lên. Đây được coi là tình tiết tăng nặng. Các bị cáo như Tô Thị Anh Đào, Chu Lập Cơ…nhiều lần chuyển tiền qua biên giới là tình tiết phạm tội 2 lần trở lên.
Sau khi xem xét, đánh giá vai trò, các bị cáo là nhân sự chủ chốt tại SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt, và Công ty thuộc Vạn thịnh Phát, HĐXX xét thấy cần tăng nặng do các bị cáo phạm tội có tổ chức.
HĐXX đánh giá bị cáo Trương Mỹ Lan là người đứng đầu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chi phối ngân hàng SCB, chỉ đạo các bị cáo khác phát hành trái phiếu khống, tạo dòng tiền khống, lập công ty ma….để phát hành trái phiếu. Đây là cách thức khôn khéo, kín đáo, để người khác không nhận ra thủ đoạn. Do đó, cần áp dụng tình tiết tăng nặng.
Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, các bị cáo đã ăn năn hối cải, thừa nhận, khắc phục hậu quả 1 phần vụ án nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ. Dù HĐXX đã xem xét đủ các tình tiết giảm nhẹ nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò cao nhất, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên buộc phải áp dụng một bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo bị cáo khác tại ngân hàng SCB thực hiện hành vi phạm tội, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan nên cũng phải áp dụng nghiêm khắc, cách ly thời gian dài khỏi xã hội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.