Dân Việt

Chê tiền lương khu vực công thấp, vì sao công chức, viên chức vẫn làm?

Thùy Anh 24/10/2024 16:12 GMT+7
“Tiền lương khu vực công chỉ có vậy, miếng bánh nhỏ, ai chê tiền lương thấp có thể tìm tới nơi tiền lương cao mà làm việc”, đó là chia sẻ của chuyên gia lao động khi bàn về tiền lương khu vực công.

Nhiều công chức không muốn chuyển việc dù tiền lương thấp

Mặc dù nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tiền lương công chức viên chức và mới đây nhất là tăng thêm 30% (Cao nhất trong lịch sử kể từ khi có chính sách tiền lương cơ sở - PV), thế nhưng tiền lương vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chị Nguyễn Thị Nhi, 34 tuổi, công chức huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, hiện tiền lương của chị được gần 9 triệu đồng/tháng. Sau hơn 10 năm ra trường nhiều lần tăng lương, nâng bậc lương tới nay mức lương của chị mới được mức này. Tiền lương của chị chỉ đủ đóng tiền học cho 2 con, hàng ngày lại phải vượt 17km từ Hưng Yên tới Thanh Trì làm việc nhưng chị vẫn cố gắng.

“Trước đây, mấy lần có ý định bỏ công chức ra làm tư, hoặc xin chuyển tới nơi gần hơn nhưng công việc khó khăn, chuyển mãi không được. Nghĩ lương thấp nhưng thôi vẫn cố gắng làm vì không làm thì không biết làm gì bây giờ. Hiện tại, ngoài làm văn phòng, thời gian rảnh tôi phụ việc check đơn hàng online cho con em, tháng cũng kiếm thêm được 3-4 triệu đồng, có thêm khoản chi tiêu”, chị Nhi chia sẻ.

Chê tiền lương khu vực công thấp, vì sao công chức, viên chức vẫn làm? - Ảnh 1.

Bình quân tiền lương của lao động khu vực công vào khoảng 7,5 triệu đồng, mức này đã tăng đáng kể sau khi lương cơ sở tăng thêm 30% từ 1/7 vừa qua. Ảnh: NN

Tương tự như chị Nhi, nhiều công chức, viên chức cũng tâm sự, dù rất muốn thay đổi công việc nhưng thực sự đi tìm công việc mới là điều không đơn giản lúc này. Nhiều người vẫn có tâm lý chọn công việc có thu nhập ổn định, dù tiền lương không cao nhưng có thời gian để làm thêm.

Thường chỉ có các công chức, viên chức ở vị trí quản lý lãnh đạo, những người giỏi thực sự mới dám “nhảy việc”.

Chị Lê Huyền Ngân – 45 tuổi, từng làm trưởng phòng trong một đơn vị sự nghiệp công tại Hà Nội cho biết, dù ở vị trí lãnh đạo nhưng tiền lương lẫn môi trường làm việc của đơn vị đều không ổn lắm. Mỗi tháng tiền lương của chị chỉ được chừng 15 triệu đồng, còn môi trường làm việc thì khá ì ạch. Chính bởi lý do đó mà chị quyết tâm xin nghỉ việc để chuyển qua làm Trưởng phòng truyền thông cho một tập đoàn bất động sản.

“Công việc mới của tôi có thể áp lực hơn, nhưng cơ chế tính tiền lương sòng phẳng hơn, quan trọng là tôi được thỏa sức cống hiến, nêu ý tưởng và được sáng tạo, chịu trách nhiệm về ý tưởng của mình”, chị Huyền Ngân nói.

Vì sao tiền lương khu vực công mãi thấp?

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, khu vực công là khu vực dẫn dắt nền kinh tế. Tiền lương cần đảm bảo cho công chức, viên chức đủ sống thì họ mới gắn bó, cống hiến được.

“Tuy vậy, ông Lợi cũng cho rằng trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước ta đã rất nỗ lực để cải thiện mặt bằng tiền lương. Cán bộ, công chức, người lao động nên đồng cảm, cảm kích vì điều này.

Cải cách tiền lương cần 1 lộ trình không thể nói là làm ngay được, việc xây dựng thang bảng lương mới và vị trí việc làm mới là việc chưa từng có trong tiền lệ vì thế không thể nói là làm ngay được, cần xây dựng các căn cứ xác định”, ông Lợi nói.

Chê tiền lương khu vực công thấp, vì sao công chức, viên chức vẫn làm? - Ảnh 2.

Tăng lương cơ sở làm mặt bằng tiền lương của công chức, viên chức tăng lên đáng kể tuy nhiên, mức này vẫn thấp so với kỳ vọng. Anh: NN

Cũng theo ông Lợi, việc Chính phủ, Quốc hội đồng ý tăng lương cơ sở từ 1/7/2024 vừa qua là việc không có trong dự định, bởi ban đầu trung ương đã xác định là sẽ cải cách tiền lương từ 1/7. Nếu cải cách tiền lương, bộ mặt tiền lương của công chức, viên chức sẽ thay đổi đáng kể, tiền lương được kỳ vọng sẽ đáp ứng được cuộc sống của người lao động, tạo động lực để công chức, viên chức cống hiến.

Chia sẻ thêm về vấn đề tiền lương của khu vực công hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Phó Viện trưởng viện Khoa học lao động cho rằng: Tiền lương được dựa trên năng suất lao động; kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động ấy cũng như là tốc độ tăng giá cả tiêu dùng trên thực tế.

“Tiền lương khu vực công chỉ có vậy, miếng bánh nhỏ, ai chê tiền lương thấp có thể tìm tới nơi tiền lương cao mà làm việc”, bà Hương nói.

Theo Bộ Nội vụ, hiện tiền lương bình quân ở khu vực công (công chức, viên chức) vào khoảng 7,5 triệu đồng/tháng (mức này bằng bình quân tiền lương của người lao động nói chung trong quý II/2024 được Tổng cục thống kê vừa công bố). Tuy nhiên, tiền lương của lao động tốt nghiệp đại học mới đi làm (công chức, viên chức) vào khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Mức này nếu so với khu vực tư thì có vẻ thấp hơn. Vì tiền lương ở khu vực tư về cơ bản được tính theo thang bảng lương của doanh nghiệp, cộng thêm tiền lương được tính dựa trên sự thỏa thuận của doanh nghiệp và người lao động. Bởi vậy, những lao động ở khu vực tư cùng kinh nghiệm có thể nhận được mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng. 

"Nói tiền lương khu vực công thấp chưa hẳn đúng vì mặt bằng tiền lương hiện nay vẫn chỉ có thế, tuy nhiên, nếu xét về áp lực và khối lượng công việc, tiền lương thì khu vực công vẫn bình ổn hơn, thậm chí nhiều công chức làm vẫn còn có 'bổng lộc'. Do vậy, nên dù kêu nhưng nhiều công chức, viên chức vẫn không nghỉ việc, chuyển việc", chuyên gia lao động cho biết thêm.