"Sao cứ phải tiền lương người đi làm cao hơn lương người về hưu?"

Thùy Anh Thứ hai, ngày 21/10/2024 19:00 PM (GMT+7)
So sánh tiền lương của lao động đi làm và tiền lương hưu là khập khiễng. “Tại sao tiền lương của người đi làm lại phải cao hơn người về hưu? Trong khi đó, người về hưu có tiền lương là tích lũy cả mấy chục năm” - một chuyên gia lên tiếng.
Bình luận 0

Tiền lương của người trẻ sao cứ phải cao hơn người về hưu?

Chia sẻ vấn đề này với PV Báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng thật khó để đặt tiền lương của người đi làm và lương hưu cạnh nhau.

“Tại sao tiền lương của người đi làm lại phải cao hơn tiền lương của người về hưu? Trong khi đó, người về hưu có tiền lương tích lũy cả mấy chục năm”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, khoản tiền lương hưu là khoản tiền tích lũy 30% tiền lương khi họ còn đi làm, nó cũng dựa trên sự đóng góp, cống hiến của người lao động. Anh đóng góp nhiều, cống hiến nhiều tiền lương hưu mới cao, chứ không phải ai cũng có mức lương hưu mười mấy triệu đồng. Còn tiền lương của người lao động đang làm việc phải được tính toán dựa trên cơ chế thị trường, phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm. Chưa kể ngoài tiền lương, lao động còn có các khoản thu nhập thêm ví dụ như phụ cấp, trợ cấp… và các khoản “bổng lộc” khác.

So sánh tiền lương người lao động đi làm và người về hưu là không thực tế? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia lao động, tiền lương của người trẻ không thể bằng tiền lương hưu của người già là đúng. Ảnh: Viên chức làm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: N.T

“Bổng lộc ở đây không phải là phong bao phong bì, mà nhiều khi chỉ là bó hoa, món quà hay là dịp kỷ niệm lễ tết được đồng nghiệp, thăm hỏi, động viên. Những thứ giá trị đó, sao có thể mang ra so sánh. Tôi cho rằng người về hưu Việt Nam hiện nay quá nhiều thiệt thòi”, bà Lan Hương chia sẻ thêm.

Bà Hương cũng cho rằng, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên, nhưng thực tế bệnh tật cũng nhiều lên, vì thế tiền lương hưu của người già chủ yếu chỉ để phục vụ cho khám chữa bệnh là nhiều nhất, sau đó mới đến chi phí cho sinh hoạt, ăn uống.

“Không một xã hội nào mà người trẻ ra trường lại có mức lương cao hơn mức lương của người về hưu. Nếu cứ như vậy thì mới là bất công vì một người trẻ vừa ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc là lương cao còn người về hưu làm bao nhiêu năm, cống hiến bao nhiêu năm về già lại nhận đồng lương chết đói thì quả là tệ”, Bà Hương nói.

Theo bà Hương, tiền lương hiện được xác định dựa trên cơ chế thị trường, dựa trên 3 yếu tố: Chi phí sản xuất tốc độ tăng giá tiêu dùng; thứ hai là năng suất lao động; thứ ba là hiệu quả năng suất lao động. Vì thế, nhiều khi lao động cứ muốn lương cao là không được. “Miếng bánh tiền lương khu vực công chỉ có thế, nếu anh muốn lương cao hơn thì có thể lựa chọn công việc khác để làm không nhất thiết cứ ở lại khu vực công để nhận mức lương và kêu là thấp”, bà Hương phân tích.

Không phải lương hưu của ai cũng cao

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay mức bình quân tiền lương hưu của người về hưu ở Việt Nam hiện hưởng khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, trong đó người hưởng chế độ hưu trí theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khoảng 1,27 triệu người, với mức hưởng bình quân là 6,1 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương hưu bình quân.

Cũng theo số liệu của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp có mức hưởng lương lưu từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó mức hưởng từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng là 382 người; từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là 80 người; từ 50 triệu đồng trở lên là 9 người.

So sánh tiền lương người lao động đi làm và người về hưu là không thực tế? - Ảnh 2.

Phần đa người về hưu có mức lương hưu thấp chỉ từ 3 tới 7 triệu đồng/tháng. Ảnh: N.T

Những người này đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng BHXH theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi, theo luật BHXH năm 2006).

Còn lại, khoảng 1,9 triệu người, chiếm 70% tổng số người hưởng lương hưu cả nước, đang hưởng 3 - 7 triệu đồng/tháng. Hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng). Ngoài lương hưu, người già sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh.

Như vậy, có thể nói, mặt bằng tiền lương hưu của người Việt cũng không cao, mặc dù tiền lương hưu này được điều chỉnh hàng năm. Phần đa người lao động đều nhận mức lương hưu thấp. Thậm chí nhiều người có nhận mức lương hưu dưới chuẩn nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem