Dân Việt

Bảo hiểm nông nghiệp ở đâu khi nông dân thiệt hại nặng nề: Phải có "điểm tựa" Nhà nước (Bài 3)

Vũ Khoa - Khánh Ly - Quang Thái 25/10/2024 08:44 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững, vai trò của Nhà nước là không thể thiếu.

Như đề cập trong bài Bảo hiểm nông nghiệp ở đâu khi nông dân thiệt hại nặng nề? (Bài 1)Bảo hiểm nông nghiệp ở đâu khi nông dân thiệt hại nặng nề: Vì sao chưa tương xứng với tiềm năng? (Bài 2), bảo hiểm nông nghiệp là lá chắn kinh tế quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn tài chính sau thiên tai và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nền kinh tế hiện đại.

Mặc đã có những chính sách hỗ trợ nhưng sự phát triển của thị trường bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa tương xứng. Để làm rõ hơn vấn đề này, và tìm giải pháp căn cơ nhất để bảo hiểm nông nghiệp phát triển bền vững, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Động lực hoàn thiện bảo hiểm nông nghiệp: Phải có "điểm tựa" từ Nhà nước (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Ảnh: K.Nguyên

Nhiều người dân thường nghĩ rằng bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính giúp san sẻ gánh nặng khi gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Ông có nhận xét gì về quan điểm này?

- Quan điểm này đúng, nhưng chưa đầy đủ. Bảo hiểm nông nghiệp không chỉ giúp người sản xuất vượt qua khó khăn nhờ đền bù khi gặp rủi ro, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý quy trình sản xuất. Khi tham gia bảo hiểm, người sản xuất phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, bảo hiểm nông nghiệp còn giúp thu hút đầu tư liên kết trong sản xuất. Khi quy trình sản xuất được minh bạch hóa nhờ bảo hiểm, các đối tác và nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi hợp tác, vì họ biết rằng mọi rủi ro đều được kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ, một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ ưu tiên hợp tác với các hộ sản xuất đã tham gia bảo hiểm, vì điều này đảm bảo sản xuất vẫn tiếp tục khi có rủi ro xảy ra.

Như vậy, bảo hiểm nông nghiệp mang lại ba lợi ích lớn: giúp người sản xuất vượt qua khó khăn, hỗ trợ quản lý quy trình sản xuất, và thu hút đầu tư bên ngoài tham gia vào chuỗi. Đồng thời, bảo hiểm nông nghiệp còn thúc đẩy sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường.

Bảo hiểm nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như vậy, chúng ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nhưng kết quả không đạt kỳ vọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?

- Trong giai đoạn 2011–2014, chúng ta đã triển khai Quyết định số 315/2011/QĐ-TTg, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nghèo, 80% cho hộ cận nghèo, 60% cho các hộ khác, và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Chính sách này được thí điểm tại 20 tỉnh với 7 đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Sau đó, vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP cùng các Quyết định số 22, 03, và 13, tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm, các cá nhân không thuộc diện này được hỗ trợ 20%, và các tổ chức sản xuất quy mô lớn theo mô hình hợp tác, liên kết cũng được hỗ trợ tối đa 20%.

Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát huy hết tiềm năng.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất là những bất cập trong chính sách. Việc hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp như một chính sách tài khóa, nhưng việc thực hiện chưa nghiêm túc. Cơ chế thí điểm kéo dài (như Quyết định 22 và 03) mà không có sự tổng kết, đánh giá kịp thời đã làm giảm hiệu quả.

Nguyên tắc "lấy số đông bù số ít" của bảo hiểm đòi hỏi phải khuyến khích nhiều người tham gia, nhưng chính sách hiện tại chỉ tập trung hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, trong khi họ không phải là những đối tượng sản xuất hàng hóa lớn, có tỷ lệ đóng góp không nhiều trong quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam; ít khuyến khích tất cả nông dân, nhất là hộ sản xuất hàng hóa tham gia bảo hiểm. Điều này làm cho bảo hiểm không phát huy hết tác dụng, chính sách của chúng ta đang "ngược tự nhiên" và mang tính an sinh nhiều hơn.

Tất nhiên, việc hỗ trợ người nghèo là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, đặc biệt là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Động lực hoàn thiện bảo hiểm nông nghiệp: Phải có "điểm tựa" từ Nhà nước (Bài cuối) - Ảnh 2.

Một chủ trang trại cây cảnh thất thần vì không kịp di tản vườn cây trong hoàn lưu bão Yagi.

Thời điểm hiện nay, chính sách cần thiết phải thay đổi thế nào để bảo hiểm nông nghiệp phát huy hiệu quả, thưa ông?

- Chính sách cần phải thay đổi, trong đó vai trò dẫn dắt của Nhà nước là tiên quyết.

Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc "lấy số đông bù số ít". Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các đối tượng, đặc biệt là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chứ không chỉ giới hạn ở hộ nghèo. Vì vậy, trước mắt cần sửa đổi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP với các quy định đi kèm theo hướng thực hiện nghiêm chính sách tài khóa trong hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm cả ở cấp trung ương và địa phương. Đồng thời, chính sách cần thay đổi cách tiếp cận, mở rộng đối tượng hỗ trợ sang các vùng miền có nguy cơ cao về thiên tai, dịch bệnh, và các hộ sản xuất quy mô lớn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn.

Đặc biệt, cả ngân sách trung ương, địa phương và người sản xuất đều cần chia sẻ trách nhiệm trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm. Thời gian qua, chúng ta đã thử nghiệm một số chính sách tương tự, nhưng cần đưa bảo hiểm nông nghiệp vào chính sách tài khóa của các tỉnh để triển khai rộng rãi thay vì chỉ dừng lại ở các thí điểm.

Chúng ta có thể tham khảo bài học về phát triển thị trường bảo hiểm của Trung Quốc. Từ năm 2022, họ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp với tỷ lệ 40% từ ngân sách trung ương, 30% từ ngân sách địa phương và 30% từ người sản xuất. Riêng đối với người nghèo, họ chỉ phải đóng 10%, thậm chí không cần đóng phí. Ngân sách được chi trả trực tiếp cho công ty bảo hiểm, đảm bảo tính minh bạch và khả thi.

Ngoài việc hỗ trợ phí bảo hiểm, Nhà nước đứng sau hỗ trợ cả về tái bảo hiểm.

Ông có thể nói rõ hơn về sự "đứng sau" này của nhà nước?

- Tại Trung Quốc, nếu tổn thất dưới 160% phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ. Đối với tổn thất từ 160% đến 300%, doanh nghiệp tái bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng tái bảo hiểm. Nếu tổn thất vượt quá 300%, Nhà nước sẽ đứng ra bồi thường.

Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm của chúng ta đều hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh, họ sẽ e ngại nếu không có sự hỗ trợ từ tái bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp vốn đầy rủi ro. Do đó, tái bảo hiểm phải có Nhà nước đứng sau, để các doanh nghiệp yên tâm triển khai. Nếu không có sự bảo đảm này, doanh nghiệp sẽ không dám cung cấp dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp do rủi ro quá lớn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó duy trì và phát triển thị trường này.

Động lực hoàn thiện bảo hiểm nông nghiệp: Phải có "điểm tựa" từ Nhà nước (Bài cuối) - Ảnh 3.

Nông nghiệp là ngành phải hứng chịu nhiều rủi ro.

Còn các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải "chuyển mình" như thế nào để thị trường bảo hiểm nông nghiệp "cất cánh", thưa ông?

- Các doanh nghiệp bảo hiểm cần thực hiện nhiều cải tiến để thích ứng với nhu cầu đa dạng của thị trường. Đầu tiên, các gói bảo hiểm cần được tùy chỉnh theo từng vùng, từng đối tượng và thậm chí theo năng lực sản xuất của từng đơn vị. Nếu các quy trình sản xuất được tuân thủ tốt, mức phí bảo hiểm nên được điều chỉnh phù hợp; ngược lại, nếu không tuân thủ, mức phí phải tăng hoặc giảm dựa trên mức độ rủi ro.

Ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm không nên chỉ tập trung vào cây trồng và vật nuôi. Tại Pháp, họ còn bảo hiểm cả tài sản của người sản xuất như chuồng trại, máy móc, thiết bị. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chỉ giới hạn bảo hiểm theo quy định của Nghị định 58, chủ yếu hướng đến đối tượng nghèo và cận nghèo. Các doanh nghiệp cần mở rộng phạm vi bảo hiểm thương mại, đáp ứng nhu cầu thực tế của người sản xuất. Ví dụ, các cơ sở sản xuất công nghệ cao như nhà màng, nhà lưới hay chuồng trại chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết, nhưng trước đây ít ai nghĩ đến việc nông dân cần mua bảo hiểm cho những tài sản này. Đây là điều các doanh nghiệp bảo hiểm cần xem xét kỹ lưỡng.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính đến vấn đề bắt chéo sản phẩm của mình với các cơ chế chính sách khác như tín dụng, để tạo ra sự liên kết hỗ trợ người sản xuất tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả hơn.

Ông có thể giải thích thêm về khái niệm "bắt chéo sản phẩm" trong bảo hiểm nông nghiệp?

- Một cách hiệu quả để khuyến khích người sản xuất tham gia bảo hiểm nông nghiệp là kết hợp với chính sách tín dụng ưu đãi. Chúng ta có thể giảm lãi suất tín dụng từ 1–2%, và yêu cầu người vay sử dụng phần lãi suất giảm này để mua bảo hiểm. Điều này đảm bảo người vay vẫn trả lãi suất không cao hơn thị trường, nhưng đồng thời cũng tham gia bảo hiểm.

Chính sách của nhiều quốc gia đã sử dụng bảo hiểm như một công cụ để điều phối nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ thảm họa sang quản trị rủi ro. Ví dụ, thay vì chi 1% GDP để hỗ trợ thảm họa, nếu quản lý rủi ro tốt hơn, thiệt hại có thể giảm xuống 0,5%, và phần chi phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ bảo hiểm. Việc này không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất hàng hóa và người nghèo, mà còn giúp nâng cao chất lượng nông sản và tạo ra một hệ thống an sinh xã hội bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!


Theo quy định tại Nghị đinh 55, khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng. Như vậy, cơ chế chính sách đã có, thời điểm này chúng ta phải nhìn lại, rà soát lại mức giảm lãi suất như vậy đã đủ để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp chưa, từ đó có đề xuất phù hợp.

Bà Hà Thu Giang

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Cơ quan chức năng có thể xem xét việc hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho các hộ nghèo và cận nghèo, ít nhất trong lần đầu tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Đối với các hộ nông dân khác, có thể nâng mức hỗ trợ lên 50% phí bảo hiểm, để khuyến khích họ tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Khi người nông dân thấy rõ lợi ích thực tế từ việc tham gia bảo hiểm sau khi gặp rủi ro, sự tham gia sẽ tăng lên, tạo ra sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm đặc biệt và thông thường không được đánh giá đúng đắn về hiệu quả, nhất là đối với các hộ nông dân. Nhà nước cần đóng vai trò hướng dẫn và định hướng cho người nông dân trong việc mua bảo hiểm nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững của người dân làm việc trong khu vực sản xuất nông nghiệp.

Swiss Reinsurance Company (Nhà tái bảo hiểm Thụy Sỹ)