Dân Việt

Công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo hoạt động ổn định sau mưa lũ

PV 27/10/2024 12:48 GMT+7
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đơn vị triển khai toàn diện công tác chống úng ngập khu vực ngoại thành, đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn Hà Nội.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) và mưa, lũ sau bão trên địa bàn Thành phố.

Huy động nhiều cán bộ tham gia hỗ trợ bà con sau bão, lũ

Cụ thể, trong báo cáo Hà Nội cho biết, các sở, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo đúng kế hoạch, phương án được lập, phê duyệt từ trước mùa mưa, lũ, trong đó bao gồm các lực lượng quân đội, công an, điện lực, viễn thông, xây dựng, nông nghiệp...

Tổng số lượng người, phương tiện đã được huy động theo thống kê sơ bộ của các quận, huyện, thị xã trong đợt thiên tai khoảng 200.000 lượt người và 40.000 lượt phương tiện; 47.338 cán bộ của Bộ Tư lệnh và các đơn vị đóng quân trên địa bàn Hà Nội đã được huy động để ứng phó, hỗ trợ bà con Nhân dân; Công an Thành phố đã huy động trên 18.000 lượt cán bộ, chiến sỹ, trên 2.400 lượt phương tiện..

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan thường trực PCTT và TKCN của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai toàn diện công tác chống úng ngập khu vực ngoại thành, đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố theo các kế hoạch phương án hộ đê, phòng chống úng ngập bảo đảm an toàn công trình được xây dựng, phê duyệt từ trước mùa mưa bão.

Ngành Nông nghiệp đã huy động, triển khai tối đa lực lượng (trên 3.200 người) tham gia công tác thủy lợi; Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội (bao gồm cả các Hạt quản lý đê) đã triển khai 100% lực lượng với gần 300 người;

Khối Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai tối đa gần 100 người cùng sự phối hợp của các đơn vị trong ngành (Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y;...) và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai tại địa phương; Các lực lượng công an, quận đội đã tham gia tích cực công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai sau bão số 3.

Song song với đó, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác ứng trực, tuần tra canh gác, kiểm tra thực địa, rà soát các trọng điểm xung yếu; Triển khai các biện pháp, hoạt động ứng phó như hạ thấp mực nước để đảm bảo phòng lũ cho 89 hồ chứa thủy lợi; Chủ động vận hành trạm bơm tiêu nước đệm trên toàn hệ thống; Vận hành các trạm bơm tiêu úng của các công ty thủy lợi theo các kịch bản, tình huống; hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất nông nghiệp...

Công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo hoạt động ổn định sau mưa lũ- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) xử lý sự cố sụt lún mang cống Trạm bơm tiêu Tảo Khê. Ảnh: Bảo Châu.

Các biện pháp giải pháp trên đã đảm bảo cho hệ thống công trình ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; Hơn 626km đê từ cấp đặc biệt đến cấp V và gần 150km đê chưa được phân cấp; 2.129 trạm bơm các loại, 33.371 tuyến kênh; 89 hồ chứa...đảm bảo an toàn.

Công tác di dân, đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.

Đối với việc chống ngập ở khu vực nội thành, công tác chuẩn bị được rà soát, kiểm tra, đôn đốc kịp thời nên cơ bản hệ thống thoát nước đô thị không bị thiệt hại do bão số 3, ngoại trừ một số điểm úng ngập đã được dự báo do lượng mưa vượt thiết kế (gấp 2 đến 5 lần lượng mưa thiết kế của hệ thống thoát nước).

Các đơn vị duy trì lực lượng ứng trực 100% quân số từ chiều ngày 06/9/2024 đến hết ngày 08/9/2024 với khoảng 2.416 người; 323 phương tiện; 139 thiết bị bơm hút chống ngập, thực hiện quy trình vận hành các trạm bơm tiêu, đập điều tiết giải quyết úng ngập tại các khu vực nội đô.

Việc vận hành đập Thanh Liệt tuân thủ quy trình vận hành hỗ trợ điều tiết mực nước sông Nhuệ trong điều kiện khu vực nội thành Hà Nội không còn điểm úng ngập và kiểm soát mực nước các sông, hồ điều hòa. Từ ngày 12/9/2024 đến nay, địa bàn Thành phố có mưa rải rác, gây hiện tượng úng ngập cục bộ một số điểm và đều đã được xử lý sớm.

Giảm thiểu được tối đa thiệt hại về người, tài sản khi xảy ra bão, lũ

Báo cáo cũng thể hiện rõ, Công tác PCTT và TKCN trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương và Thành phố, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cấp cơ sở, các sở, ban, ngành.

Xét tổng thể, công tác PCTT và TKCN đã đạt kết quả tốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; Nhân dân được đảm bảo an toàn; Hệ thống công trình ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra. Đặc biệt là công tác di dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.

Nhân dân đánh giá cao và tin tưởng sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của Hà Nội, sự chủ động, tích cực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thủ đô, đã tập trung khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra.

Công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo hoạt động ổn định sau mưa lũ- Ảnh 2.

Công trình thủy lợi, đê điều đảm bảo hoạt động ổn định sau mưa lũ. Ảnh: N.Đ.

Nhân dân đồng tình và hưởng ứng, tích cực tham gia tổng vệ sinh dọn dẹp các cây đổ, cành cây bị gẫy, làm sạch các điểm công cộng, vườn hoa, cơ quan, nơi ở, đường làng ngõ phố,...để Hà Nội trở lại sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố vì hoà bình, ngàn năm văn hiến.

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; HĐND, UBND Thành phố và đặc biệt là những nhận định chính xác, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của cá nhân đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố.

Ngoài ra, các sở, ngành đã triển khai tham mưu, thực hiện tốt như quân đội, công an, điện lực, viễn thông, xây dựng, nông nghiệp... Một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thành phố như Thanh Trì, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Sơn Tây...

Từ những kết quả trên, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT ưu tiên những công trình cần thiết đưa vào Kế hoạch vốn năm 2025. Đồng thời, rà soát các công trình đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026- 2030; Tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai các giải pháp, chính sách công trình và phi công trình nhằm đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi và phòng, chống thiên tai trên địa bàn Hà Nội.