Sau ba tháng trình chiếu sôi động trên truyền hình vào mùa hè, các "anh tài" không chỉ tạo nên cơn sốt khổng lồ trên sóng và trên mạng xã hội mà tiếp tục duy trì sức hút với những live show đại nhạc hội lập kỷ lục về lượng người tham dự.
Có giá vé từ 800 nghìn tới 8 triệu đồng, đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra ngày 19/10 đã bán hết 20.000 vé trong vòng 90 phút. Cùng với đó, hai buổi biểu diễn ngoài trời "Anh trai say hi" tại TP.HCM, diễn ra cách nhau ba tuần, đã thu hút hơn 50.000 khán giả.
Hai chương trình Anh trai sẽ tiếp tục "Bắc tiến" vào cuối năm, và ngay từ bây giờ, cơn sốt săn lùng vé đã nổi lên. Chưa kể, chương trình "Chị đẹp đạp gió" mùa 2 sẽ tiếp tục nối sóng từ 26/10, hứa hẹn mang đến những bữa tiệc âm nhạc mới.
Trong gia đình, tôi là fan cứng của "Anh trai vượt ngàn chông gai". Con trai tôi, ở độ tuổi "gen Z", lại say mê cả "Anh trai say hi". Dù hướng đến những đối tượng khác nhau, điểm chung khiến cả hai chương trình này đốn tim khán giả chính là công thức: Chất lượng chuyên môn vượt trội, tính giải trí cao và sự đầu tư chỉn chu, hoành tráng...
Các nhà sản xuất đã mang đến những tiết mục trình diễn "đỉnh nóc", tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả. Không ngoa khi nói rằng, hai chương trình Anh trai tạo ra mốc son mới cho ngành công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam.
Thực ra, sức hút của V-pop đã âm thầm phát triển với những live show mãn nhãn, hoành tráng và chất lượng cao từ các ngôi sao hạng A như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, cũng như các chương trình âm nhạc đình đám như Rap Việt… Tuy nhiên, sau khi ban nhạc Black Pink đến Hà Nội biểu diễn giữa năm 2023 và thu về 630 tỷ đồng chỉ sau hai đêm diễn, nhiều người mới thực sự nhận ra rằng tiềm năng cho ngành công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam là vô cùng rộng lớn.
Có một thế hệ nghệ sĩ tài năng, nói nôm na, một rừng "sao," là yếu tố nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của nền công nghiệp giải trí. Nhớ lại những năm hoàng kim của điện ảnh Việt trong thập niên 1980 - 1990, dù là những bộ phim do nhà nước đầu tư hay những tác phẩm tư nhân "mỳ ăn liền", những ngôi sao điện ảnh đẹp đẽ và tài năng đã khiến khán giả chen nhau tới rạp, tạo nên những kỷ lục phòng vé và những tượng đài bất hủ.
Văn hóa thần tượng không chỉ thu hút khán giả mà còn đặt áp lực lên người nghệ sĩ, buộc họ phải ý thức giữ gìn hình ảnh và kiểm soát hành vi của bản thân trên sân khấu và ngoài đời.
Đáng mừng, thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay của Việt Nam đang thể hiện nhiều điều tích cực trong vai trò "thần tượng". Bên cạnh việc sở hữu những kỹ năng đa dạng, công chúng thấy họ tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng khán giả và thể hiện sự chuyên nghiệp trên sân khấu. Hai chương trình "Anh trai" là minh chứng rõ nét nhất cho việc các nghệ sĩ, với tinh thần lao động nghiêm túc và tài năng đáng nể, luôn có thể tạo cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng.
Để tạo ra một trào lưu trong thưởng lãm nghệ thuật, dấu ấn của từng nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Sức hút của hai chương trình Anh trai gửi gắm thông điệp khá rõ tới các nhà quản lý văn hoá nghệ thuật: Việc phát triển tài năng cần một môi trường khuyến khích sự phát triển của từng cá nhân.
Điều này không chỉ cho phép các nghệ sĩ phát huy tối đa tiềm năng của mình mà còn tôn vinh sự độc đáo trong từng cá tính nghệ thuật, tạo nên sự sôi động và phong phú cho nền giải trí Việt Nam.
Đối với khán giả, sự hâm mộ cuồng nhiệt dành các thần tượng cũng đáng được khuyến khích, dù họ dầm mưa, dãi nắng, hay bỏ ra một khoản tiền lớn để chiêm ngưỡng thần tượng của mình. Khán giả tìm kiếm sự đồng cảm, nguồn cảm hứng và những khoảnh khắc thăng hoa trong cuộc sống qua nghệ thuật. Một nền công nghiệp biểu diễn trưởng thành không thể thiếu vắng những fan club được vận hành quy củ, sự cộng hưởng và tương tác tuyệt vời giữa khán giả và thần tượng.
Dù một số hành động "fan cuồng" có thể khiến một số bậc phụ huynh lo lắng, nhưng không nên xem đó là lý do để chỉ trích những người hâm mộ. Ở nhà, tôi luôn ủng hộ con cái trong việc bày tỏ tình yêu với một bộ phim hay nghệ sĩ con yêu thích, dù điều đó có nghĩa phải nghe đi nghe lại một bài hát cùng con. Tôi cũng đã trải qua thời thanh xuân đầy đam mê như vậy, với những bức ảnh thần tượng dán đầy nhà.
Một cánh én không nên làm mùa xuân. Bên cạnh sự trỗi dậy của các ca sĩ, nhạc công, đạo diễn, nhà sản xuất trong lĩnh vực âm nhạc, ngành công nghiệp biểu diễn còn cần sự hỗ trợ đồng bộ và chuyên nghiệp của nhiều lĩnh vực liên quan.
Một hệ sinh thái phong phú, bao gồm công nghệ tổ chức sự kiện, thời trang, làm đẹp, quảng cáo, tiếp thị và các nhà phê bình uy tín, sẽ đóng góp lớn vào sự thịnh vượng của ngành biểu diễn. Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trên các lĩnh vực này, thậm chí trên nhiều khía cạnh, không thua kém những nước có nền giải trí phát triển lâu đời.
Sức nóng của hai chương trình "Anh trai" cho thấy trải nghiệm nghệ thuật phong phú là yếu tố quyết định sự thành công của một tác phẩm hay của một chương trình. Dù là hoạt động âm nhạc mang tính hàn lâm hay giải trí, hoặc thậm chí bị gắn mác "cúng cụ", sự hội tụ của việc nắm bắt công nghệ mới, đào sâu các giá trị văn hóa dân tộc và thổi bùng hơi thở đương đại sẽ giúp tạo ra những chương trình giá trị, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng.
Hai chương trình "Anh trai" cùng lúc phát đi những tín hiệu tích cực về cơ hội nâng tầm công nghệ biểu diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, nền công nghiệp văn hoá có thể cất cánh, trở thành một ngành kinh tế tầm cỡ và có ảnh hưởng tới đại chúng. Bởi văn hoá bao gồm nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, sân khấu, tới hội hoạ, kiến trúc, văn học, xuất bản…
Mỗi ngành đều cần những điều kiện đột phá về chiến luợc, tư duy vận hành để vươn mình, tiệm cận với trình độ thế giới. Nhưng câu chuyện thành công từ hai chương trình "Anh trai" vừa qua hẳn giúp gợi mở nhiều điều cho các nhà làm chính sách văn hoá và những người làm nghề.