Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa thông tin về kết quả xử lý văn bằng của ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang.
Theo đó, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xem xét quá trình đào tạo, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh bằng cấp của ông Vương Tấn Việt theo quy trình kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật.
Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp, ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, Sở GD&ĐT TP.HCM có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng tên ghi điểm tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, ông Vương Tấn Việt thừa nhận về việc sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp.
Bởi vậy, trong vụ việc này, ngoài thu hồi các bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Hà Nội và bằng tiến sĩ tại Trường Đại học luật Hà Nội đã cấp, cơ quan chức năng cũng sẽ thu hồi bằng cấp ba mà ông Vương Tấn Việt đã sử dụng trong quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục trên.
Khi thu hồi được bản chính bằng tốt nghiệp cấp ba, sẽ tiến hành giám định con dấu và chữ ký ở trong bằng này để xác định bằng giả do cấp sai thủ tục hoặc có hành vi làm giả con dấu nữa hay không?
Nếu không thu hồi được bản chính bằng tốt nghiệp cấp ba sẽ không thể tiến hành giám định chữ viết và con dấu.
Theo ông Cường, bằng tốt nghiệp cấp ba cấp không đúng đối tượng, không đúng thủ tục là bằng giả, người có tên trong bằng tốt nghiệp không đi học, không đi thi mà có bằng thì phải nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Vì vậy, nếu người dân biết rõ đây là bằng cấp giả mà vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng hoặc để thực hiện hành vi trái pháp luật, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật hình sự quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội ít nghiêm trọng là 5 năm, với tội nghiêm trọng là 10 năm, với tội rất nghiêm trọng là 15 năm và với tội đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm tính từ thời điểm hành vi phạm tội xảy ra.
Theo quy định của pháp luật, hành vi làm giả được tính từ thời điểm cấp, làm ra bằng cấp giấy tờ giả. Còn hành vi sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả, có thể là hành vi kéo dài qua nhiều năm.
Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, ông Vương Tấn Việt nộp bằng tốt nghiệp cấp ba vào trường Đại học Hà Nội để học hệ từ xa từ năm 1994 và tốt nghiệp năm 2001. Vì thế, nếu có hành vi làm giả bằng cấp ba nhưng đến nay đã 30 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, hành vi sử dụng tài liệu giả vẫn kéo dài đến nay nên vấn đề thời hiệu xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi sử dụng tài liệu giả sẽ không được đặt ra. Ông Vương Tấn Việt vẫn có thể bị xử lý về hành vi sử dụng tài liệu giả theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo ông Cường, trong vụ việc này, các cơ sở giáo dục rất khó có thể xác định được bằng cấp ba là thật hay giả, nếu là bằng phôi thật, chữ ký thật, các trường gần như không thể xác định được đó là bằng giả.
Nếu bằng giả với hình thức làm tinh vi, mắt thường cũng khó phát hiện, cần phải giám định tại phòng kĩ thuật hình sự hoặc viện khoa học hình sự mới kết luận được đó là bằng cấp, giấy tờ giả. Vì vậy, để truy trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng giả rất khó và thiếu căn cứ pháp lý.
Vấn đề đặt ra là xem xét, sửa đổi quy trình giáo dục và đào tạo ở bậc đại học, sau đại học để kịp thời bổ sung các cơ chế kiểm tra, kiểm soát, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.