Dân Việt

Lấy bài học từ thôn Kho Vàng ở Lào Cai, lãnh đạo Bộ NNPTNT kêu gọi cả cộng đồng phòng, chống bão Trà Mi

Trần Quang 25/10/2024 17:41 GMT+7
Chiều 25/10, Bộ NNPTNT tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố triển khai ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi).
Lấy bài học từ thôn Kho Vàng ở Lào Cai, lãnh đạo Bộ NNPTNT kêu gọi cả cộng đồng phòng, chống bão Trà Mi- Ảnh 1.

Chiều 25/10, Bộ NNPTNT tổ chức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố triển khai ứng phó với bão số 6 (bão Trà Mi). Ảnh: TQ

Bão số 6 gây ra mưa lớn

Theo ông Vũ Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), sáng ngày 22/10, áp thấp nhiệt đới phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là TRAMI); chiều ngày 24/10, bão TRAMI đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 6 năm 2024.

Hồi 13h00 ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 560km về phía Đông Đông Bắc, sức gió cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Dự báo, hồi 13 giờ ngày 26/10, bão đạt cường độ mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15 trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Đến 13 giờ ngày 27/10, bão trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 180km với cường độ cấp 10-11, giật cấp 14. Đến rạng sáng 28/10, bão đổi hướng Đông Đông Nam trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ với cường độ cấp 10, giật cấp 12; sau đó di chuyển theo hướng Đông và tiếp tục suy yếu.

Vùng nguy hiểm trong 24h tới: Từ Vĩ tuyến 15,0 - 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông Kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Thuỷ triều: Cao nhất là 1,3m từ 20-22h00 ngày 27/10 và thấp nhất là 0,8m từ 13-14h00 ngày 28/10.

Từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, từ Quảng Trị - Quảng Ngãi có mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm, cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm/3h; từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.

Theo báo cáo của Cục Thuỷ sản, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 110.625 ha (22.445 ha nuôi tôm nước lợ, 9.644 ha nuôi nhuyễn thể bãi triều, 78.536 ha nuôi thủy sản nước ngọt); 119.356 lồng bè; 1.929 chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Lấy bài học từ thôn Kho Vàng ở Lào Cai, lãnh đạo Bộ NNPTNT kêu gọi cả cộng đồng phòng, chống bão Trà Mi- Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến phòng chống bão số 6. Ảnh chụp màn hình

Huy động cả cộng đồng vào cuộc phòng chống bão số 6

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Đến nay, tỉnh đã rất chủ động và đã kết nối với các huyện, thành phố và các xã họp tổ chức thực hiện các công tác để phòng, chống bão số 6 (bão Trà Mi).

Tránh tâm lý chủ quan trước bão, ông Bửu cho rằng, tỉnh đã tổ chức các hình thức tuyên truyền. Từ ngày 25/10, các đoàn công tác của tỉnh đã đến các địa phương và rà soát công tác "4 tại chỗ"... Đồng thời, tổ chức, giám sát kiểm tra từ các thôn xóm đến các xã, huyện... thường xuyên báo cáo về BCĐ của tỉnh.

Cũng theo ông Bửu, hiện tỉnh đã chuẩn bị kịch bản di dân trên 18 huyện, thị với 200.000 dân. Với kịch bản siêu bão, tỉnh cũng chuẩn bị kịch bản di dời gần 400.000 người...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bão số 6 (bão Trà Mi) là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào miền Trung. Theo nhận định của chúng tôi, bão không đổ bộ vào đất liền nhưng khi bão vào bờ biển sẽ quay ra và có thể lại hình thành cơn bão mới trên biển.

Theo đó, Thứ trưởng Hiệp đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và các chủ tàu, thuyền có phương án phòng, chống bão số 6 an toàn.

Đặc biệt, Thứ trưởng Hiệp cảnh báo, cơn bão số 6 sẽ gây ra mưa rất lớn cho các tỉnh ven biển miền Trung. "Bão Trà Mi có khả năng sẽ gây ra ngập lụt lớn thứ 2 trong năm nay tại khu vực miền Trung (sau đợt ngập lụt gây ra do cơn bão số 3) nên các địa phương cần có phương án để phòng, chống và ứng phó hiệu quả", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hiệp, mặc dù dự báo bão số 6 không lớn chỉ khoảng cấp 10-11 nhưng gió lưu lại lâu nên các tỉnh ven biển có bãi cát du lịch có thể gây ra sạt lở bờ biển.

Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh, thành phố khi kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn cần chằng chống, neo đậu cẩn thận, an toàn. Tránh neo đậu tàu thuyền qua loa, khi bão vào  vẫn sẽ gây hậu quả, thiệt hại nặng.

Theo kịch bản khi bão số 6 vào ven bờ biển sẽ quay ra biển và có thể hình thành cơn bão mới nên Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh miền Trung cần tăng cường tuyên truyền và cấm biển lâu hơn để phòng việc các chủ tàu, thuyền quay ra biển sớm gặp nguy hiểm.

Về tiến độ thu hoạch lúa mùa, hiện khu vực Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã thu hoạch 45.424ha/116.677ha; hiện còn 71.253 ha chưa thu hoạch, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh thu hoạch nhanh đến chủ nhật (27/10) phải hoàn thành để không bị ảnh hưởng của bão.

Đối với phương án di dời dân, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3, ở Lào Cai, trưởng thôn Kho Vàng đã kêu gọi và cứu được rất nhiều người dân sau sạt lở đất. Từ kịch bản mưa lớn trong cơn bão số 6, chúng ta phải chủ động di dân từ sớm, từ xa. Từ các trưởng, phó các thôn ở các vùng bị ảnh hưởng của bão phải chủ động di dời dân khi có nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất sau mưa lớn.

Lấy bài học từ thôn Kho Vàng ở Lào Cai, lãnh đạo Bộ NNPTNT kêu gọi cả cộng đồng phòng, chống bão Trà Mi- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần lên kịch bản cho cộng đồng chủ động chịu trách nhiệm về phòng chống bão số 6. Ảnh: TQ

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương phải chuẩn bị 2 kịch bản di dân để phòng tránh mọi tình huống có thể xảy ra do bão số 6. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Quốc phòng cần mở rộng hệ thống flycam để rà soát, soi các điểm sạt lở nhằm cảnh báo và có phương án di dời dân khi có nguy cơ sạt lở cao.

"Mỗi đơn vị phải chuẩn bị các phương án, kịch bản để phòng, chống bão và hoàn lưu sau bão. Đồng thời, chúng ta phải có kịch bản để cộng đồng tự chịu trách nhiệm về việc phòng, chống cơn bão giống như kinh nghiệm từ cơn bão số 3 ở Lào Cai", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói.

Là cơn bão đầu tiên ảnh hưởng vào khu vực miền Trung, đường đi và diễn biến còn phức tạp, có thể gây mưa lớn trong những ngày tới. Để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các nội dung như sau:

1. Đối với trên biển, đảo:

- Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, nhất là thông tin về bão đổi hướng; tổ chức sắp xếp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

- Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; thu hoạch sớm sản phẩm đã đến thời kỳ thu hoạch; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

- Căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.

2. Đối với ven biển và trên đất liền:

- Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển.

- Tổ chức gia cố, chằng chống nhà ở, kho tàng, biển hiệu, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; chặt tỉa cành cây; sẵn sàng phương án bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

- Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão ảnh hưởng, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

- Tập trung thu hoạch diện tích lúa Mùa đã đến kỳ thu hoạch.

3. Đối với khu vực miền núi:

- Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

- Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

- Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ./.