Dân Việt

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất có bảo hiểm trách nhiệm đối với công chứng viên

Quỳnh Nguyễn 25/10/2024 16:17 GMT+7
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). 

Đề xuất có bảo hiểm trách nhiệm đối với công chứng viên - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), chiều 25/10. Ảnh: Media Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, không quy định các loại giao dịch phải công chứng mà tập trung điều chỉnh các vấn đề về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp điểm tích cực của các loại ý kiến để chỉnh lý nội dung. Theo đó, bổ sung quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng "là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng".

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, qua thảo luận, do còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án.

Phương án 1, đa số ý kiến đề nghị, bên cạnh các văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành, tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh, văn phòng công chứng còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Ưu điểm của phương án này là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng, tạo thuận lợi cho việc phát triển văn phòng công chứng ở vùng sâu, vùng xa, do mô hình này chỉ yêu cầu 1 công chứng viên làm chủ.

Tuy nhiên, mô hình này có hạn chế là khi xảy ra tình huống công chứng viên duy nhất chết hoặc vì lý do cá nhân không thể hành nghề, thì không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng. Việc giải quyết hậu quả về hồ sơ, chuyển giao trách nhiệm… đối với các văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân bị giải thể sẽ là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý Nhà nước.

Phương án 2, một số ý kiến tán thành với phương án như Chính phủ trình, đề nghị kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh.

Hạn chế của phương án này là văn phòng công chứng đòi hỏi phải có tối thiểu 2 công chứng viên hợp danh, dẫn đến khó khăn do nguồn bổ sung công chứng viên hạn chế, nhất là ở các địa bàn còn khó khăn, nhu cầu công chứng giao dịch không lớn, khó thu hút công chứng viên thành lập văn phòng công chứng để thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho phép tiếp thu, chỉnh lý nội dung này theo phương án 1.

Về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, "công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng".

Việc quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc có tính chặt chẽ, an toàn cao hơn cho hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Việc bổ sung quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đối tượng này là phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.