Nhiều công chứng viên từ chối công chứng do không đủ trình độ ngoại ngữ

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 17/06/2024 15:52 PM (GMT+7)
Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Nhiều công chứng viên từ chối công chứng do không đủ trình độ ngoại ngữ- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Lê Thành Long cho biết, triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới.

So với luật hiện hành, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp, dự luật về công chứng được trình gồm 10 chương, 78 điều, bao gồm 9 điều giữ nguyên, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới.

Tuy nhiên, Luật Công chứng cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; Chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.

Bỏ quy định miễn đào tạo công chứng viên

Trong Luật Công chứng (sửa đổi), chương công chứng viên được bổ sung nhiều quy định mà theo cơ quan soạn thảo, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.

Trong đó dự luật quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng (bỏ quy định miễn đào tạo).

Những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng.

Cùng với đó bổ sung một số đối tượng được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng 6 tháng như chấp hành viên trung cấp, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng 2, thanh tra viên chính ngành tư pháp…

Dự luật cũng quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi, đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm để bảo đảm quá trình chuyển giao hoạt động.

 Hạn chế rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng như Luật Công chứng hiện hành mà chỉ quy định việc công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định này của dự thảo Luật bởi thực tế nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do "không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản". Tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự "quá tải" về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương. 

"Quy định này hạn chế rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng bản dịch, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn", ông Tùng cho hay.

Nhiều công chứng viên từ chối công chứng do không đủ trình độ ngoại ngữ- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Media Quốc hội

Về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, cơ quan thẩm tra nhận thấy, quy định này chưa bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và với các quy định có liên quan của dự thảo Luật.

"Việc dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh ban hành Đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, các tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng công chứng dẫn đến thực trạng  hình thành một loại "quy hoạch con", ông Tùng nêu.

Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, đã là điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một chủ thể nhất định thì cần quy định thống nhất, đồng bộ, tập trung để bảo đảm tường minh, dễ theo dõi và thực hiện. Do đó, đề nghị bổ sung điều kiện thành lập Văn phòng công chứng là phải đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Một số ý kiến cho rằng quy định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, có thể gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi có nhu cầu chứng thực, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện đi lại khó khăn. 

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, trên cơ sở đó nghiên cứu, chỉnh lý quy định này nhằm thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng nhưng đồng thời phải bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem