Gian nan nghề xiếc
Theo thống kê, mỗi năm, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có khoảng gần 20% nghệ sĩ rời bỏ công việc. Dù là ngành đào tạo đặc thù bậc nhất, đòi hỏi cao về tài năng, thể lực, nhiều nguy cơ chấn thương, ít tài năng xiếc sống được với nghề. Hoặc họ phải bươn trải làm thêm, hoặc bỏ quên giấc mơ toả sáng trên sân khấu.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất cho phép viên chức trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bao gồm xiếc và múa ballet, được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng, sau khi đã đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, các nghệ sĩ và diễn viên trong lĩnh vực này thường trải qua quá trình đào tạo kéo dài từ 7 đến 12 năm, và một số bộ môn có thể lên tới 15 -16 năm. Độ tuổi bắt đầu đào tạo nghề thường từ 10 tuổi, yêu cầu phải có năng khiếu. Tuy nhiên, thời gian hoạt động biểu diễn của họ chỉ trung bình từ 15 đến 20 năm. Do đó, các nữ nghệ sĩ ở độ tuổi từ 35 - 40 và nam nghệ sĩ từ 40-45 thường suy giảm khả năng biểu diễn và hoạt động chuyên môn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nghệ sĩ Thanh Hoa cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là mức thù lao và bảo hiểm cho diễn viên xiếc quá thấp. "Khi không may bị ngã, chúng tôi chỉ có 80.000 đồng tiền bảo hiểm, nếu đi bệnh viện thì công đoàn trích ra được 1-2 triệu đồng, đa số nghệ sĩ sẽ tự bỏ tiền túi ra để lo chi phí.
Xiếc không được hưởng những chế độ như thể thao. Dù thi đấu các cuộc thi quốc tế, chúng tôi không có người đi theo nấu ăn hay được tiền chế độ cao khi đạt huy chương. Huy chương của ngành xiếc thậm chí chỉ được bằng khen, số tiền thưởng khoảng 2 - 3 triệu/người. Thù lao buổi diễn thì chia 50/50 tính theo mức khán giả, nếu đông thì nhiều hơn, vắng thì rất ít. Những buổi tập bình thường, chúng tôi không có tiền bồi dưỡng" - nghệ sĩ Thanh Hoa thổ lộ.
Nghệ sĩ Thanh Hoa tin rằng các tiết mục xiếc Việt Nam không thua kém quốc tế, tuy vậy khán giả trong nước chưa chú ý nhiều đến bộ môn này. Từng lưu diễn tại Nga, nữ nghệ sĩ bày tỏ sự chạnh lòng khi chứng kiến sự cổ vũ của công chúng nước ngoài: "Hình ảnh khán giả đông kín lối vào, những tràng pháo tay vang dội cho các tiết mục chạm tới trái tim là điều mà tôi mong muốn nhưng rất hiếm khi được thấy ở Việt Nam khi biểu diễn".
NSND Tâm Chính - chủ nhân của tiết mục Cô nàng giải khát nổi tiếng thế giới cũng lấy ví dụ về sự khó khăn của những nữ nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nhào lộn: "Sau khi lấy chồng, sinh con, nghệ sĩ xiếc quay lại bộ môn này rất khó khăn vì họ phải nghỉ 2 năm từ lúc mang thai đến khi nuôi con. Trong bộ môn xiếc, các loại hình như ảo thuật, tung hứng nhẹ nhàng sẽ không nhất thiết phải nghỉ hưu sớm. Tuy vậy, những nghệ sĩ lao động nặng như uốn dẻo, nhào lộn hay có những động tác bế phức tạp thì nên có chế độ đó".
Vén màn hiện trạng về nghề nghệ thuật khắc nghiệt
Nói về những khó khăn nghề xiếc đang phải đối mặt hiện nay, ông Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Nghề xiếc đang đứng trước nhiều thách thức. Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, con người có nhiều sự lựa chọn để giải trí ngay tại nhà mà không cần phải đến tận nơi mới có thể xem được các tiết mục xiếc. Hơn nữa, dù khán giả sinh sống tại Việt Nam, họ cũng dễ dàng xem được các tiết mục biểu diễn ở Nga, Mỹ hay những quốc gia khác".
Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định xiếc vẫn có "đất sống", bởi thứ khiến một loại hình nghệ thuật trở nên cuốn hút và hấp dẫn chính là tính tương tác. "Sự tương tác trực tiếp tạo ra cảm xúc chân thực, giúp xiếc vẫn giữ được chân khán giả cho tới ngày hôm nay. Theo dõi một tiếc mục xiếc tại rạp sẽ rất khác biệt so với việc xem qua điện thoại hay màn ảnh nhỏ".
Để đối mặt với thách thức của nghề xiếc khi tuổi nghề ngắn cùng thu nhập không cao, ông Thắng cho rằng các nghệ sĩ cần chuẩn bị cho bản thân mình một nghề nghiệp khác ngay sau khi không còn khả năng tiếp tục biểu diễn. "Họ có thể học thêm để trở thành đạo diễn xiếc, huấn luyện viên, tiếp tục cống hiến cho nghề với vai trò khác như đào tạo và xây dựng lực lượng thế hệ trẻ kề cận, tổ chức các chương trình cho đoàn xiếc... Đương nhiên, để có được cơ hội làm nghề bền vững cho các tài năng, rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội" - ông bày tỏ.
Nhận định về tương lai của xiếc tại Việt Nam, ông Tống Toàn Thắng cho rằng: "Để phát triển bền vững và lâu dài, bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đào tạo đội ngũ kế cận, trở thành lực lượng đóng góp cho ngành nghề đó. Với sức khỏe, nhiệt huyết, sự nắm bắt xu hướng, lớp trẻ sẽ là chìa khóa để phát triển các ngành nghệ thuật. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần sáng tạo, thay đổi trong việc làm truyền thông, chia sẻ thông tin tới cộng đồng một cách hấp dẫn, qua đó thu hút khán giả tới rạp".
Thực tế cho thấy, thông qua các video về xiếc trên nền tảng mạng xã hội TikTok, gần đây, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt xu hướng, cùng bạn bè, gia đình đi xem xiếc trong ngày cuối tuần.
NSND Tống Toàn Thắng, nghệ sĩ trẻ Thanh Hoa đều thổ lộ, trong họ luôn cháy bỏng niềm đam mê với xiếc, tin tưởng rằng "hãy cứ yêu nghề, rồi nghề sẽ yêu lại mình". Những năm qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm các chương trình xã hội hóa, lưu diễn để nâng cao kỹ năng biểu diễn, tăng thêm thu nhập cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, để đời sống nghệ sĩ xiếc thay đổi, chắc chắn các nghệ sĩ và cơ quan quản lý sẽ còn rất nhiều việc cần làm...