Dân Việt

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Đột phá từ xây dựng 5 vùng nguyên liệu (Bài 2)

Danh Hùng 26/10/2024 06:29 GMT+7
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân năm 2023, Bộ Nông nghiệp PTNT đã rốt ráo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nông dân; trong đó có hướng dẫn các địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường.

Xây dựng các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung là một trong những nội dung trọng tâm mà Thủ tướng Chỉnh phủ luôn đề nghị tập trung triển khi thực hiện sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2023. Vậy sau Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai như thế nào?

2.500 tỷ cho 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Khác với vùng sản xuất tập trung hay vùng sản xuất chuyên canh đã và đang hình thành ở nhiều địa phương thời gian qua, vùng nguyên liệu đạt chuẩn được Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng tập trung phát triển các chuỗi giá trị, gắn kết giữa nơi sản xuất có các quy trình và tiêu chuẩn sản phẩm nhất định với nhà máy chế biến hay thị trường tiêu thụ. 

Vùng nguyên liệu đạt chuẩn không chỉ là các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nông sản nguyên liệu mà còn phải đạt cả tiêu chuẩn chất lượng về môi trường, an toàn lao động và yêu cầu của phát triển bền vững, chống phá rừng, không sử dụng lao động trẻ em…

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Đột phá từ xây dựng 5 vùng nguyên liệu (Bài 2)- Ảnh 1.

Các tỉnh miền núi phía Bắc được quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt chuẩn theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Trên thực tế, từ năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và ban hành Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT về thực hiện "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025" nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bao gồm: vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng núi phía Bắc, gỗ rừng trồng vùng Duyên hải miền Trung, cà phê Tây Nguyên, lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên, cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022 - 2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024 - 2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho HTX, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.

Tháng 8 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai Đề án này. Kết quả cho thấy đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và hợp tá xã như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo ĐBSCL. Nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp và HTX.

Từ 132 lớp đào tạo tập huấn và 26 tổ khuyến nông cộng đồng do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, đến nay các địa phương đã bố trí được 400 lớp đào tạo và 149 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng về lúa gạo, với mục tiêu 50.000ha, sau 1 năm đã có 6.000ha đạt tiêu chuẩn vào thị trường cao cấp… Nhiều công trình hạ tầng trong vùng nguyên liệu đã được thi công và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng sản xuất về nhà máy để chế biến.

Nhiều HTX được thành lập mới và củng cố lại; cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ phần mềm kế toán, phần mềm nhật ký sản xuất; hình thành được hệ thống các Tổ Khuyến nông cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất, liên kết thị trường, phát triển HTX, tín dụng. Các địa phương đã tập trung thực hiện triển khai hiệu quả các dự án liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, áp dụng quy trình sản xuất tiến tiến, huy động được sự tham gia và đối ứng kinh phí khá lớn của các HTX, doanh nghiệp.


Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Đột phá từ xây dựng 5 vùng nguyên liệu (Bài 2)- Ảnh 2.

Nông dân xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thu hoạch rừng gỗ nhỏ. Ảnh: An Yên

Nói về Đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững, từ đó hiện đại hóa nền nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, giảm chi phí rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm… 

Do đó, cần đáp ứng các yêu cầu: xây dựng vùng nguyên liệu trên cơ sở đảm bảo liên kết chuỗi từ khâu sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân;  xây dựng trên cơ sở nhu cầu của thị trường, phát huy lợi thế và điều kiện tự nhiên của từng vùng; phát triển gắn với đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị; triển khai đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững."

Sẽ có hướng dẫn chi tiết xây dựng các vùng nguyên liệu

Giới chuyên gia nhận định, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản; đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

"Để xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng với đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng", Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam – GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Những đổi thay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân 2023: Đột phá từ xây dựng 5 vùng nguyên liệu (Bài 2)- Ảnh 3.

Khu vực tứ giác Long Xuyên được quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) Ngô Tường Vy cho rằng: xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nên các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng khẳng định, khi chúng ta tạo được vùng nguyên liệu tốt thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ có sự tin tưởng và đầu tư vào. Ông Thanh lấy ví dụ, hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang kết hợp với DN Vĩnh Hiệp làm vùng nguyên liệu cà phê để xuất khẩu sang EU.

Dù bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng qua phản ánh từ các địa phương cũng như doanh nghiệp cho thấy, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề; việc tổ chức quản trị điều hành, đặc biệt là điều tiết nhu cầu cấp vùng và quản lý nhà nước về phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Đáng nói, việc tích tụ ruộng đất, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn của một nền nông nghiệp hiện đại còn nhiều bất cập; khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị nông sản vẫn lỏng lẻo.

Do đó, để hướng dẫn các địa phương xây dựng các cùng nguyên liệu, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án thí điểm, đẩy mạnh truyền thông về các kết quả nội bật của Đề án.

Đồng thời, sẽ xây dựng ban hành tài liệu tập huấn hướng dẫn các cán bộ quản lý nhà nước ở địa phương đổi mới tổ chức sản xuất phát triển vùng nguyên liệu nông sản; và hiện đang xây dựng Sổ tay Hướng dẫn địa phương xây dựng các cùng nguyên liệu, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường (dự kiến tháng 12/2024 Bộ sẽ ban hành). Bên cạnh đó là nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật cho vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn để triển khai hiệu quả và nhân rộng.