Tại Hội thảo khoa học “Bước tiến trong điều trị bệnh thận mạn: Từ khuyến cáo đến thực hành” vừa diễn ra, PGS. TS. BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, suy thận mạn chiếm một tỷ lệ khá lớn trong cộng đồng cư dân.
"Có nhiều biện pháp để điều trị từ lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận… nhưng không phải người dân nào cũng tiếp cận được với những biện pháp hiệu quả", PGS Cơ nói.
Theo PGS Cơ, việc điều trị, chăm sóc, hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh, giúp bệnh nhân tránh phải sống gắn liền với máy lọc máu, chạy thận, nâng cao chất lượng sống là một vấn đề rất quan trọng. Tầm soát, dự phòng, phát hiện và can thiệp sớm là những tiêu chí xuyên suốt quá trình điều trị cho người bệnh thận mạn.
PGS Cơ nhận định, bệnh thận mạn là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, kéo dài trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tổ chức y tế thế giới xếp bệnh thận mạn là một trong những loại bệnh thường gặp, gây hậu quả nặng nề và tốn kém rất lớn về kinh tế.
Tại Việt Nam, tỷ lệ lưu hành bệnh thận khoảng 12,8%, khá cao so với các nước cùng khu vực. Giai đoạn đầu, bệnh thường không có hoặc ít triệu chứng, thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác, khó phát hiện. Đến khi người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, tức ngực khó thở, đi khám, bệnh đã chuyển giai đoạn nặng, thậm chí phải chạy thận.
TS. BS Đồng Văn Thành, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh thận mạn thường được chẩn đoán trễ do thiếu tích cực trong việc tầm soát. 80,3% bệnh nhân có nguy cao không được thực hiện các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán bệnh thận theo khuyến cáo.
Các đối tượng có nguy cơ cao tập trung chủ yếu ở 3 nhóm đối tượng: Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Bệnh tim mạch, ngoài ra là 1 số đối tượng tiền sử gia đình bệnh thận mạn, thận u nang, bệnh cầu thận… Sự kết hợp của các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt ngay từ bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong việc chẩn đoán, phát hiện bệnh thận mạn cho người bệnh là rất quan trọng.
“Sàng lọc, phát hiện sớm mang lại lợi ích cho bệnh nhân, giảm gánh nặng kinh tế trong điều trị, giảm nguy cơ tiến triển bệnh, giảm số năm sống cần lọc máu và ghép thận. Thậm chí thay vì các biện pháp can thiệp, người bệnh chỉ cần được tập trung vào chăm sóc đặc biệt”, TS. BS Đồng Văn Thành chia sẻ.
Theo các bác sĩ, phát hiện sớm bệnh thận mạn có ý nghĩa rất quan trọng với người bệnh, là căn cứ để các bác sĩ lâm sàng đưa ra được các theo dõi và biện pháp dự phòng, giảm thiểu những rủi ro, hạn chế biến chứng.
Tháng 8/2024, Bộ Y tế lần đầu tiên công bố Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận". Đây là tài liệu chuyên môn do các chuyên gia đầu ngành của Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (VUNA) phối hợp cùng Bộ Y Tế Việt Nam soạn thảo và ban hành.
Đây cũng là cơ sở để các bác sĩ có thể áp dụng trong thực hành lâm sàng nhằm tối ưu bảo vệ bệnh nhân bệnh thận mạn và giảm gánh nặng cho ngành y tế.