Quy định chi trả tiền thuốc BHYT có nhiều vướng mắc, cần điều chỉnh

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 25/10/2024 13:22 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Thông tư quy định chi trả thuốc BHYT từ năm 2022 đã nhiều vướng mắc, cần phải điều chỉnh.
Bình luận 0

Ngày 25/10, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xây dựng Thông tư Quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (gọi tắt là Thông tư quy định danh mục thuốc và hướng dẫn thanh toán thuốc BHYT- PV).

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong những năm qua, thuốc luôn là cấu phần quan trọng và luôn chiếm tỷ lệ chi lớn trong tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Mặc dù những năm gần đây tỷ lệ thuốc/tổng chi khám chữa bệnh BHYT liên tục giảm, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất từ quỹ BHYT.

Cụ thể, năm 2020 là 40,42 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,75%; Năm 2021 là 34,48 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,86%; Năm 2022 là 40,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,41%.

Quy định chi trả tiền thuốc BHYT có nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh - Ảnh 1.

Theo đó, danh mục thuốc BHYT chi trả bao gồm: 1037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. (Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh BYT)

Hiện nay, việc chi trả chi phí thuốc cho người tham gia BHYT thực hiện theo danh mục và quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với các thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Theo đó, danh mục thuốc BHYT chi trả bao gồm: 1037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm chia làm 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

"Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT (trong khi Danh mục thuốc BHYT tại Thái Lan, Singapore, Philippin chỉ có 600-700 hoạt chất)", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Thuấn, hiện nay, Thông tư số 20/2022/TT-BYT cũng đã bộc lộ một số vấn đề hạn chế, vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và lạc hậu so với nhiều văn bản, quy định khác trong lĩnh vực y tế.

Đơn cử, về việc thanh toán đối với thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa: Hiện nay, Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 đã quy định nhiều nội dung liên quan khám chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Nhưng danh mục thuốc BHYT chưa có quy định về thanh toán BHYT đối với thuốc được sử dụng trong khám chữa bệnh từ xa.

Nhấn mạnh về nội dung mục đích xây dựng Thông tư quy định danh mục thuốc và hướng dẫn thanh toán thuốc BHYT, bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết, Thông tư này sẽ cập nhật những thuốc mới trong thời gian qua đã được cấp số đăng ký lưu hành, đem lại hiệu quả điều trị cao để có thể góp phần chẩn đoán, điều trị bệnh ở tất cả các tuyến từ tuyến trung ương đến y tế cơ sở.

Quy định chi trả tiền thuốc BHYT có nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Trang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết, Thông tư này sẽ cập nhật những thuốc mới trong thời gian qua đã được cấp số đăng ký lưu hành, đem lại hiệu quả điều trị cao để có thể góp phần chẩn đoán, điều trị bệnh ở tất cả các tuyến từ tuyến trung ương đến y tế cơ sở. (Ảnh BYT)

Thứ 2 là rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc hiện hành để thuốc nào có cảnh báo liên quan đến điều trị, hiệu quả điều trị không cao, thuốc có chi phí hiệu quả không còn phù hợp để đưa ra khỏi danh mục. 

Như vậy, sẽ cân bằng vừa đưa thuốc mới vào danh mục vừa đưa thuốc không có hiệu quả cao ra khỏi danh mục để người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi về sử dụng thuốc hiệu quả và hợp lý hơn.

Thứ 3, điều chỉnh liên quan đến nguyên tắc, điều chỉnh thuốc vào danh mục làm sao đảm bảo tính kịp thời, cập nhật được nhanh nhất, các nguyên tắc, tiêu chí này cũng cần đảm bảo tính khách quan, khoa học đề cao hiệu quả điều trị nhưng đảm bảo yêu cầu cân đối quỹ.

Dự thảo Thông tư này cũng đưa các quy định giúp cho y tế cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được tiếp cận với các thuốc điều trị tốt nhất, có hiệu quả nhất, phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở đã được cấp phép hoạt động.

"Chúng tôi đảm bảo thủ tục cập nhật danh mục thuốc được thường xuyên, ít nhất 1 năm 1 lần sẽ cập nhật danh mục thuốc.

Đồng thời, lần này, chúng tôi có tách riêng danh mục thuốc cho trạm y tế xã. Như vậy, nhân viên y tế tuyến dưới biết được những thuốc nào được phép sử dụng, như vậy có thể chủ động trong mua sắm đầu thấu, có đủ thuốc để kịp thời cung ứng thuốc cho người bệnh, điều trị bệnh kịp thời.

Nhờ vậy, tạo thêm niềm tin cho người dân không cần lên tuyến trên điều trị bệnh nhẹ", bà Trang chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem