Dân Việt

Bầu cử Mỹ: Ông Biden xin lỗi vì 'một chương kinh hoàng nhất' trong lịch sử đất nước

V.N (Theo Al Jazeera, CNN) 26/10/2024 18:30 GMT+7
Trước bầu cử Mỹ, Tổng thống Biden đến thăm vùng đất của người bản địa và xin lỗi chính sách đồng hóa cưỡng bức và việc ngược đãi trẻ em trong các trường nội trú của chính phủ Mỹ mà ông gọi là vết nhơ trong lịch sử Mỹ.
Bầu cử Mỹ: Ông Biden xin lỗi vì 'tội lỗi' lạm dụng trường nội trú của người bản địa - Ảnh 1.

Tổng thống Biden phát biểu tại Trường cộng đồng Gila Crossing ở Cộng đồng người da đỏ Gila River, Arizona, ngày 25/10. Ảnh: Reuters.

Vết nhơ trong lịch sử

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức xin lỗi người Mỹ bản địa vì vai trò của chính phủ trong việc tách trẻ em bản địa khỏi cha mẹ và ép chúng vào các trường nội trú nơi xảy ra các vụ lạm dụng trẻ em.

Ông Biden đã đưa ra lời xin lỗi mà các bộ lạc mong đợi từ lâu khi ông lần đầu tiên đến thăm vùng đất của người bản địa tại Cộng đồng người da đỏ Gila River ở ngoại ô Phoenix, bang Arizona.

Phát biểu tại đây, ông gọi những vụ lạm dụng trường nội trú là "vết nhơ trong lịch sử Hoa Kỳ",  là "tội lỗi đối với tâm hồn chúng ta".

Ông nói thêm, "Thành thật mà nói, không có lý do gì để bào chữa cho lời xin lỗi mất 150 năm để đưa ra… Hôm nay, cuối cùng chúng ta cũng tiến về phía trước để thấy ánh sáng".

Từ năm 1869 đến những năm 1960, hơn 18.000 trẻ em bản địa — một số chỉ mới bốn tuổi — đã bị tách khỏi gia đình và đưa vào hệ thống trường nội trú.

Các trường học, thường do các nhà thờ Thiên chúa giáo điều hành, là một phần của chính sách đồng hóa cưỡng bức do Quốc hội đưa ra vào năm 1819 như một nỗ lực nhằm "khai hóa" người Mỹ bản địa, người Alaska bản địa và người Hawaii bản địa.

Trẻ em bị đánh đập, lạm dụng tình dục, bị cấm nói ngôn ngữ của mình và hành động theo bất kỳ cách nào phản ánh văn hóa của họ. Nhiều trẻ em đã không gặp gia đình trong nhiều năm. Theo một cuộc điều tra của Bộ Nội vụ Mỹ, ít nhất 987 trẻ em đã tử vong trong hệ thống này.

Ông Biden cho biết đã đến lúc câu chuyện lịch sử đáng xấu hổ và vẫn còn phần lớn chưa được biết đến này phải được công khai.

"Với tư cách là tổng thống," ông Biden nói, "tôi tin rằng điều quan trọng là chúng ta phải biết rằng đã có nhiều thế hệ trẻ em bản địa bị bắt cóc, bị đưa đến những nơi chúng không biết, với những người chúng chưa từng gặp, nói một ngôn ngữ mà chúng chưa từng nghe thấy."

"Các cộng đồng bản địa đã im lặng – tiếng cười và trò chơi của trẻ em đã không còn nữa," ông nói thêm. "… Trẻ em bị lạm dụng về mặt tình cảm, thể chất và tình dục, bị ép lao động khổ sai, một số bị đưa đi làm con nuôi mà không có sự đồng ý của cha mẹ ruột, một số bị bỏ lại cho đến chết và những ngôi mộ không có bia mộ."

Tổng thống nói thêm rằng những đứa trẻ trở về nhà đều "bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần".

Ông thừa nhận "không có lời xin lỗi nào có thể hoặc sẽ bù đắp được những mất mát trong thời kỳ đen tối của chính sách trường nội trú liên bang".

Cần hành động cụ thể

Các phóng viên cho biết Tổng thống Biden đã nhận được "lời chào nồng nhiệt" từ các thành viên cộng đồng tụ tập để nghe lời xin lỗi của ông, một số nhà lãnh đạo người Mỹ bản địa gọi đó là khoảnh khắc "sâu sắc" và "mạnh mẽ".

"Những người lớn tuổi thực sự đã trải qua và sống sót sau trải nghiệm trường nội trú, đã chờ đợi cả cuộc đời mình cho khoảnh khắc này, nhiều người trong số họ không bao giờ tin rằng điều đó thực sự sẽ xảy ra, nhưng giờ thì nó đã xảy ra" - theo phóng viên của Al Jazeera.

Ramona Charette Klein, một người sống sót sau trường nội trú, giờ đã 77 tuổi và là thành viên đã đăng ký của Turtle Mountain Band of Chippewa, nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng Biden "xứng đáng được ghi nhận" vì cuối cùng đã chú ý đến vấn đề này.

"Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ phản ánh tốt về Phó Tổng thống Harris, và tôi hy vọng động lực này sẽ tiếp tục", bà nói, đồng thời nói thêm rằng tổng thống tiếp theo phải thực hiện lời xin lỗi bằng hành động cụ thể.

Bộ trưởng Nội vụ của ông Biden, bà Deb Haalan, người Mỹ bản địa đầu tiên trong Nội các, đã nhấn mạnh đến khả năng phục hồi của "ngôn ngữ, truyền thống, lối sống" của cộng đồng bà.

Có mặt tại sự kiện cùng ông Biden, bà Haalan cho biết: "Bất chấp mọi chuyện đã xảy ra, chúng tôi vẫn ở đây".

Đi bỏ phiếu

Đảng Dân chủ hy vọng lời xin lỗi và chuyến thăm vùng đất của người bản địa ở Arizona của ông Biden sẽ thúc đẩy nỗ lực vận động cử tri của Phó Tổng thống Kamala Harris tại một tiểu bang chiến trường quan trọng, nơi ông Biden chỉ giành được 10.000 phiếu bầu vào năm 2020.

Cũng có yếu tố chính trị trong việc này, vì Arizona là một tiểu bang dao động quan trọng: Tiểu bang này có 11 phiếu đại cử tri, có hàng chục nghìn cử tri bản địa ở đây" - phóng viên Al Jazeera cho biết.

Trong chuyến thăm, Biden đã nêu bật các chính sách của chính quyền nhằm tạo việc làm và cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các cộng đồng bản địa. Chính quyền của ông đã chỉ đạo gần 46 tỷ USD chi tiêu liên bang cho các quốc gia bộ lạc, giúp cung cấp điện và internet tốc độ cao, cải thiện vệ sinh nước và xây dựng đường bộ.

"Ông ấy (Biden) đã cam kết với cộng đồng người da đỏ, và ông ấy đã thực hiện từng cam kết một", Bộ trưởng Haalan cho biết.

Khi cuộc bầu cử năm 2024 đang đến gần, đảng Dân chủ đã tăng cường tiếp cận người Mỹ bản địa, những người theo truyền thống ủng hộ đảng nhưng tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp hơn các nhóm khác.

Cả bà Harris và người bạn đồng hành của bà, Thống đốc Minnesota Tim Walz đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo bộ lạc ở Arizona và Nevada trong tháng này. Và cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã làm đại diện cho bà Harris, tuần trước đã gặp chủ tịch của Bộ lạc Lumbee tại Bắc Carolina.

Ủy ban Quốc gia Dân chủ gần đây đã phát động một chiến dịch quảng cáo trị giá sáu con số nhắm vào các cử tri người Mỹ bản địa ở Arizona, Bắc Carolina, Montana và Alaska thông qua các quảng cáo kỹ thuật số, báo in và radio.

Tại một cuộc vận động tranh cử gần đây ở Chandler, Arizona, gần khu bảo tồn Gila River, bà Harris đã  nhấn mạnh tầm quan trọng của "chủ quyền của bộ lạc".

"Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng mối quan hệ giữa các bộ lạc và nước Mỹ là thiêng liêng… và chúng ta phải tôn trọng chủ quyền của bộ lạc, tin tưởng vào các nghĩa vụ hiệp ước và đảm bảo quyền tự quyết của bộ lạc", bà Harris cho biết.

Thom Reilly, đồng giám đốc Trung tâm Dân chủ Độc lập và Bền vững tại Đại học Tiểu bang Arizona, cho biết cả chiến dịch của bà Harris và ông Trump — cùng các đồng minh của họ — đều đã nỗ lực đáng kể vào việc nhắm mục tiêu vi mô ở Arizona.

"Họ đang làm mọi cách chỉ để xem liệu họ có thể giành được thêm một vài phiếu bầu ở đây và ở đó hay không", Reilly cho biết. "Cộng đồng người da đỏ là một trong những nhóm mà bà Harris hy vọng sẽ vượt trội và giúp tạo nên sự khác biệt".