Dân Việt

Giá USD tiến sát đỉnh lịch sử và động thái của Ngân hàng Nhà nước

Linh Anh 26/10/2024 11:51 GMT+7
Trước tình hình giá USD trong nước tăng hơn 3% kể từ đầu tháng 10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán USD, nhằm mục tiêu hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản.

Vì sao Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp thị trường ngoại hối?

Dữ liệu cho thấy, từ tháng 7/2024, với sự kỳ vọng của thị trường về việc Fed giảm lãi suất, cộng với yếu tố mùa vụ (nguồn thu các hoạt động xuất khẩu), đã hỗ trợ tỷ giá USD/VND "hạ nhiệt" khi đồng USD suy yếu.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2024, mặc dù Fed đã bắt đầu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng mức lãi suất vẫn neo cao (4,5% - 5%), cộng với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh (chỉ số DXY ở trên ngưỡng 104 điểm, cao hơn so thời điểm trước khi Fed hạ lãi suất).

Bên cạnh đó, những biến động toàn cầu như giá dầu tăng và căng thẳng địa chính trị cũng gây áp lực lớn lên tỷ giá, đặc biệt là sự gia tăng chỉ số USD (DXY) từ tháng 7 đến tháng 10/2024, đã gây áp lực lớn lên đồng tiền các quốc gia mới nổi. Trong đó có VND, khiến tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4% so đầu năm.

Giá USD tiến sát đỉnh lịch sử và động thái của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 1.

Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2024. Nguồn: Dân Việt t/h.

Trong nước, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức cao khiến cho hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) gia tăng, tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Các yếu tố nội địa, như tăng trưởng nhập khẩu và nhu cầu thanh toán nợ nước ngoài vào những tháng cuối năm, đã làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ.

Theo đó, tính riêng trong tháng 10/2024, USD tăng khoảng 3,2%, kéo theo tỷ giá VND mất giá đáng kể. Trong bối cảnh giá bán USD tại các ngân hàng thương mại sát với mức giá trần được Ngân hàng Nhà nước cho phép (NHNN), NHNN đã có động thái can thiệp thị trường ngoại hối bằng cách bán USD từ ngày 24/10.

Giá USD tiến sát đỉnh lịch sử và động thái của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số USD Index trong 6 tháng qua. (nguồn: Investing.com).

TS. Vũ Mai Chi - Phó trưởng Bộ môn Tiền tệ Ngân hàng, Khoa Ngân hàng (HVNH) cho biết, những năm gần đây, việc chuyển từ điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu khối lượng sang mục tiêu giá cả theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 986/2018/QĐ-TTg đã giúp NHNN hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài hiệu quả hơn mà không cần lạm dụng nhiều công cụ điều tiết

Từ đó, thông qua các công cụ chủ đạo như nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất, có thể hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu khi VND giảm giá. 

Ngược lại, khi VND tăng giá, các biện pháp điều chỉnh lãi suất và can thiệp thị trường mở giúp ổn định tỷ giá, giảm áp lực lên xuất khẩu, ngăn ngừa lạm phát và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Nhờ đó, không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể mà còn cải thiện cán cân thương mại và tăng cường dự trữ ngoại hối.

"Nhìn chung, với cách điều hành linh hoạt và sáng tạo của NHNN thời gian qua đã giúp duy trì ổn định tỷ giá, đồng thời đổi mới công tác điều hành chính sách tiền tệ, từ đó bảo vệ nền kinh tế trước các rủi ro toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững", TS. Vũ Mai Chi nói.

Dự báo "nóng" về đường đi của tỷ giá

Đề cập đến diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, vị chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn, với bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp với biến động giá dầu, căng thẳng địa chính trị, và xu hướng "deglobalization" (giảm toàn cầu hóa) sẽ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. 

Giá USD tiến sát đỉnh lịch sử và động thái của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 3.

TS. Vũ Mai Chi - Phó trưởng Bộ môn Tiền tệ Ngân hàng, Khoa Ngân hàng (HVNH).

"Mặc dù Fed đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, các động thái vẫn thận trọng, dựa trên diễn biến kinh tế vĩ mô của Mỹ. Điều này dẫn đến tỷ giá USD/VND có khả năng biến động linh hoạt trong ngắn hạn", bà Chi nhận định.

Do vậy, TS. Vũ Mai Chi dự báo, từ nay đến cuối năm, NHNN cũng sẽ tiếp tục chủ động điều hành chính sách tiền tệ, bao gồm các biện pháp can thiệp như bán ngoại tệ, điều tiết thanh khoản, nhằm giữ vững sự ổn định của thị trường ngoại tệ trước những biến động khó lường.

Trong trung hạn, việc Fed hạ lãi suất là tín hiệu tích cực, cho thấy đồng USD có khả năng đã đạt đỉnh và bắt đầu xu hướng giảm. Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. 

Vị chuyên gia nhận định, trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng biến động, việc chuyển đổi chính sách tiền tệ từ điều hành theo lượng sang theo giá được đánh giá là bước đi tất yếu, giúp phản ứng linh hoạt hơn trước những thay đổi và ổn định thị trường.

Đồng thời, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN nhằm hấp thụ các cú sốc từ thị trường quốc tế sẽ giúp ổn định tỷ giá USD/VND trong thời gian tới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Giá USD tiến sát đỉnh lịch sử và động thái của Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 4.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán USD, nhằm mục tiêu hỗ trợ thị trường, góp phần ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản. Ảnh: SBV.

"Biến động tỷ giá là hiện tượng tất yếu với những dao động hai chiều, có lúc tăng, lúc giảm, phản ánh sự thay đổi liên tục của cung cầu trên thị trường và tác động từ các yếu tố toàn cầu. 

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh và các chính sách bảo hộ gia tăng, sự linh hoạt và sáng tạo thời gian qua trong điều hành của NHNN là yếu tố then chốt giúp Việt Nam tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro, và duy trì sự ổn định thị trường", bà Chi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh chiến lược và kịp thời ứng phó với biến động tỷ giá để duy trì sự ổn định. Cụ thể, thay vì găm giữ ngoại tệ quá mức, doanh nghiệp nên linh hoạt quản lý dòng vốn, áp dụng các biện pháp như bảo hiểm rủi ro tỷ giá, điều chỉnh chính sách thanh toán, nâng cao hiểu biết tài chính trong bối cảnh mới và đa dạng hóa nguồn tài chính. Việc lập kế hoạch dự phòng và quản lý nợ ngoại tệ hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, duy trì hoạt động ổn định ngay cả khi tỷ giá biến động mạnh.

Song song với các nỗ lực của doanh nghiệp, vị chuyên gia cho rằng, nhà điều hành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cập nhật liên tục các yếu tố quốc tế và chính trị ảnh hưởng đến tỷ giá. Việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ sẽ giúp NHNN giảm thiểu tác động tiêu cực, can thiệp khi cần thiết để giữ ổn định thị trường ngoại hối, tạo điều kiện thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ điều hành chính sách tiền tệ theo lượng sang điều hành giá, hạn chế các cú sốc lớn trên thị trường. 

Bên cạnh đó, NHNN cần củng cố dự trữ ngoại hối để đảm bảo an ninh tài chính và tăng cường khả năng can thiệp khi thị trường biến động.