Dân Việt

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ: Giáo dục cần tạo ra những con người tử tế, hạnh phúc và có trách nhiệm với xã hội

Nguyệt Anh 26/10/2024 10:11 GMT+7
Giáo dục đúng đắn là giúp người học trở thành người tốt, sống tử tế, hạnh phúc và có trách nhiệm với xã hội.
img

PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng, giáo dục phải tạo ra những con người sống tử tế, hạnh phúc và có trách nhiệm với xã hội. (Nguồn: KTĐT)

Với quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT liên quan vấn đề học thật, thi thật để tạo ra những người tài trong tương lai, góp phần đưa đất nước phát triển, phồn vinh.

Phải coi học thật, thi thật là vấn đề cấp bách

Trong cuộc làm việc với Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh câu chuyện “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Góc nhìn của ông về tầm quan trọng của vấn đề này ở nước ta hiện nay?

Tôi cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất quan trọng bởi vì dạy và học cốt trang bị cho người học những kiến thức cần thiết, giúp bản thân họ cũng như xã hội phát triển Nếu học không thật, dạy không thật, thi không thật là lừa dối chính bản thân mình, có hại đối với xã hội. Thậm chí, nếu không học thật sẽ không có đủ kiến thức để giúp cho bản thân phát triển. Chính vì lẽ đó, ngành giáo dục phải làm thế nào để mọi người hiểu được học thật, dạy thật và thi thật là vấn đề cấp bách để đánh giá tri thức, đào tạo ra những người có phẩm chất tốt đẹp.

Theo ông, tại sao vấn đề này lại được quan tâm đến như vậy trong xã hội hiện nay?

Thực tế, hiện nay nhiều người chưa hiểu rõ việc học thật, dạy thật, thi thật có tầm quan trọng như thế nào, đem lại lợi ích ra sao. Không ít người quan niệm, con học thật nhiều để trở thành người tài sau này, nên ra sức nhồi nhét, cho trẻ học thêm, đó là quan điểm sai lầm.

Tôi cho rằng, thời đại ngày nay càng cần thiết đề cao khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, phải dạy cho người ta biết lễ nghĩa, biết làm người, sống tử tế, dạy văn hóa. Giáo dục đúng đắn là giúp người học trở thành người tốt, sống tử tế, hạnh phúc, có trách nhiệm với xã hội.

Để khắc phục những khó khăn và đạt được mục tiêu "Học thật, thi thật, nhân tài thật", theo ông cần có những giải pháp nào?

Câu chuyện này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Đây là bài toán khó nhưng chúng ta buộc phải… giải. Theo tôi, Nhà nước phải có chính sách đầu tư cho giáo dục một cách thích đáng. Đặc biệt, phải chú ý tới việc đào tạo ra những người thầy có đủ tư cách, phẩm chất, là tấm gương sáng. Nhưng bên cạnh đó, cần có những chế tài nghiêm khắc.

"Chính sách và môi trường đều là những yếu tố quan trọng, nhưng phải hiểu giáo dục không phải là phúc lợi xã hội mà là một sự đầu tư thích đáng. Phải hiểu quan điểm, giáo dục là sự đầu tư và theo tính toán, hiện nay không có sự đầu tư nào “lãi” bằng sự đầu tư cho giáo dục".

Trước hết, để làm được điều này, ngành giáo dục phải chống bệnh thành tích ở mọi cấp, từ thấp tới cao. Câu nói của Thủ tướng như một hồi chuông, buộc mọi người phải có trách nhiệm suy nghĩ và cùng phải vào cuộc để loại bỏ sự giả dối trong giáo dục.

Vấn đề nằm ở giáo dục, làm sao để người thầy hiểu rõ sự cần thiết của việc dạy thật, học thật và thi thật. Đồng thời, cần đầu tư thêm cho giáo viên có điều kiện, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt, để họ toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp giáo dục theo tinh thần người thầy phải vì học trò thân yêu, đem lại kiến thức, tri thức thật cho học sinh. Bên cạnh đó, đề cao giáo dục đạo đức cho người thầy, nhất là ở các trường sư phạm. Đào tạo ra giáo viên từ suy nghĩ đến hành động phải là tấm gương sáng tạo, học tập không ngừng.

Để có "sản phẩm" giáo dục chất lượng, tử tế và hạnh phúc

Ông có thể chia sẻ những tiêu chí để đánh giá một sản phẩm giáo dục được coi là "tử tế và hạnh phúc" trong thời đại ngày nay?

Người ta thường nói, đất nước có “rừng vàng, biển bạc” sẽ có điều kiện để phát triển, làm thế nào để khai thác ra được những tài nguyên này. Nhưng trong thời đại công nghệ, vấn đề lúc này là trí tuệ. Tức là, cần những con người trí tuệ, hiểu biết thế nào là Công nghệ 4.0, biết ứng dụng công nghệ trong công việc cũng như cuộc sống.

Giờ đây, xã hội đang ngày càng số hóa. Nếu chúng ta không có kiến thức thì làm sao có thể sống trong xã hội 4.0? Khi chính quyền đưa ra chính sách số hóa thì một tiêu chuẩn quan trọng của con người là biết sử dụng điện thoại thông minh, công nghệ, Internet, để hiểu được thế nào là cuộc CMCN 4.0, trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, cơ bản để phát triển trong xã hội hiện tại.

img

Cần quan tâm đến đời sống của giáo viên để họ có thể tận hiến với nghề. (Ảnh: Nguyễn Trang)

Theo ông, những yếu tố nào tạo nên một sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc?

Trở lại vấn đề phải học thật, dạy thật và thi thật mới tạo ra những con người – sản phẩm giáo dục có chất lượng, tử tế và hạnh phúc. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng từ nhận thức đến hành động. Bạn trẻ có học thật mới trở thành con người có năng lực; dạy thật để người ta có trí thức, sống tử tế, từ kiến thức ấy mới tạo ra được giá trị thật, giúp xã hội tốt lên. Hiểu được yếu tố học thật, thi thật, dạy thật trong xã hội này chính là chìa khóa giúp tạo ra những sản phẩm giáo dục thật, chất lượng, có năng lực trong tương lai.

Chính việc học thật, thi thật làm cho con người, xã hội tốt lên trong xã hội hiện đại, làm cho đất nước ngày phát triển như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, phải làm thế nào để đất nước mình sánh vai với năm châu bốn biển. Nghị quyết của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2045, nước ta phải trở thành một nước có thu nhập cao. Đó là những yếu tố theo tôi nghĩ bây giờ giáo dục phải hướng đến bởi vì học thật, thi thật là vô cùng quan trọng để tạo ra nhân tài thật.

Vậy làm thế nào để đảm bảo rằng sản phẩm giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và đạo đức cho người học?

Vấn đề cũng ở chỗ giáo dục. Làm sao để người thầy hiểu rõ tầm quan trọng của dạy học thật, học thật và thi thật. Đồng thời, đầu tư thêm cho giáo viên có điều kiện để họ toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp giáo dục theo tinh thần người thầy phải vì học trò thân yêu, giảng thế nào để đem lại kiến trức, tri thức thật cho học sinh.

Bên cạnh đó, đề cao giáo dục đạo đức cho người thầy, đặc biệt ở các trường sư phạm đào tạo ra những người thầy từ suy nghĩ đến hành động phải là tấm gương sáng tạo. Giáo dục quan tâm đến những vấn đề đó bởi người thầy là tấm gương sáng, chắc chắn họ sẽ dạy thật.

Vậy vai trò của chính sách, cơ chế và môi trường giáo dục trong việc thúc đẩy việc tạo ra sản phẩm giáo dục tử tế và hạnh phúc như thế nào, thưa ông?

Học thật, thi thật, nhân tài thật là nói về phía người học, còn về người quản lý, ta hãy học thế giới, học theo những điều họ đã làm tốt. Nói rộng ra, Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định đường lối rất đúng đắn nhưng trong quá trình vận hành, bị bệnh thành tích làm sai lệch đi. Chẳng hạn như trong nghị quyết nêu những gì thuộc một mối phải về một mối, còn quản lý giáo dục hiện nay lại xé lẻ ra, một phần cho Bộ GD&ĐT, một phần cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) quản lý nên có những chỉ đạo theo đường hướng khác nhau.

Theo tôi, chính sách và môi trường đều là những yếu tố quan trọng, nhưng phải hiểu giáo dục không phải là phúc lợi xã hội mà là một sự đầu tư thích đáng. Phải hiểu quan điểm, giáo dục là sự đầu tư và theo tính toán, hiện nay không có sự đầu tư nào “lãi” bằng sự đầu tư cho giáo dục.

Ngày nay, điều quan trọng là đào tạo để con người hiểu biết được những vấn đề về giá trị về công nghệ cao, về sáng tạo. Theo tôi, để đạt được những mục đích như vậy thì chính sách của chúng ta phải tính toán và đầu tư cho giáo dục một cách thích đáng.

UNESCO đã xác định bốn trụ cột giáo dục gồm: Học để biết, học để làm, học cách sống cùng nhau và học để làm người. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Học để biết tức là học cho chính mình thì không thể giả dối. Biết rồi sẽ hành động, làm ra của cải cho xã hội, giúp bản thân mình và cả xã hội tiến lên. Học để chung sống là học làm người, biết sống, ứng xử trong các mối quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội.

Như vậy, nhiệm vụ chính của giáo dục là phải đem lại cho con người và xã hội những kiến thức hữu ích, cần thiết. Nếu bạn trẻ có một nghề đạt đến trình độ tinh thông ắt sẽ thành công và mang về vinh quang đúng như câu thành ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thi cử để đánh giá người ta ở mức độ, trình độ thế nào. Vậy nên, giả dối trong chuyện thi cử rất nguy hiểm, tạo ra những sản phẩm giáo dục lỗi trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Học thật hay thực học xét về phương diện nội dung là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thật, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước… Học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành Giáo dục nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu mọi người cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước thì một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học”.