Tranh cãi cộng điểm vào lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước năm 1945: "Làm chính sách cần bao quát"
Tranh cãi cộng điểm vào lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước năm 1945: "Làm chính sách cần bao quát"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 26/10/2024 06:42 AM (GMT+7)
Cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước năm 1945 được áp dụng nhiều năm qua và nay được Bộ GDĐT lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước năm 1945 gây tranh cãi
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Trong đó, đối tượng được cộng điểm ưu tiên từ 1-2 điểm thi vào lớp 10 đang gây tranh cãi.
Cụ thể, Nhóm đối tượng 1 có "Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945". Đối tượng này sẽ có 2 điểm ưu tiên và được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi.
Mấy năm gần đây, nội dung này cũng gây chú ý và nhận nhiều phản hồi từ dư luận khi áp dụng tại các địa phương bởi mọi người cho rằng không còn cán bộ nào hoạt động cách mạng trước năm 1945 lại có con mới học lớp 10.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban soạn thảo dự thảo Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong quá trình triển khai, ban dự thảo cũng đã tính đến trường hợp này để cân nhắc bỏ ra ngoài dự thảo nếu không còn phù hợp. Khi rà soát các văn bản pháp lý liên quan thì thấy rằng Nghị định 131/2021 về Hướng dẫn pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hiện vẫn còn hiệu lực có quy định chế độ ưu đãi với con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Ban soạn thảo cũng đã cân nhắc kỹ trường hợp này và thấy thực tế cũng có thể xảy ra tình huống người tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, đến 70-80 tuổi, thậm chí cao tuổi hơn mới nhận con nuôi. Quy định cộng điểm ưu tiên có thể áp dụng với cả trường hợp con đẻ và con nuôi của người hoạt động cách mạng.
Dựa trên cả cơ sở pháp lý và thực tế, Ban soạn thảo vẫn để quy định với trường hợp con người hoạt động cách mạng trước năm 1945 trong dự thảo thông tư, vì muốn bao quát hết tất cả các đối tượng, không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ. Quy định trên trong dự thảo thực chất chỉ nhắc lại quy định đã có trong thông tư hiện hành, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
"Dù rất hiếm nhưng làm chính sách vẫn phải bao quát"
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Vĩnh Phúc lý giải: "Năm 2022 có cụ ông 82 tuổi dự thi tốt nghiệp THPT, nghĩa là gần 80 tuổi thí sinh này bắt đầu vào học lớp 10. Những đối tượng cao tuổi như vậy dự thi vào THPT có thể có bố mẹ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945. Vì vậy, văn bản trên vẫn còn phù hợp mặc dù đối tượng rất hiếm. Khi làm chính sách vẫn cần phải bao quát vì tuyển sinh lớp 10 không có giới hạn tuổi".
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT lý giải: "Thông tư được ban hành năm 2014. Khi đó, ban soạn thảo muốn bao quát hết tất cả các đối tượng. Trường hợp này là tính cả con đẻ và con nuôi hợp pháp.
Nghĩa là đối tượng tham gia cách mạng lúc bấy giờ, chẳng hạn tham gia từ những năm 15 tuổi, đến 60-70 tuổi, thậm chí nhiều tuổi hơn mới nhận con nuôi. Khi con của họ thi vào lớp 10 thì họ cũng khoảng 90 tuổi. Chúng tôi tính toán để không bỏ lọt trường hợp nào, đảm bảo quyền lợi chung. Thông tư không quy định điểm ưu tiên cụ thể là bao nhiêu mà việc này sẽ do địa phương phụ trách. Tuy nhiên đến bây giờ Thông tư đã gần 10 năm, Bộ cũng đã có kế hoạch rà soát, xem xét, nếu có những quy định không phù hợp sẽ thay đổi".
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp Hà Nội, cho biết: Nếu xét về mặt lý thuyết, quy định này phù hợp với chính sách người có công, với hiến pháp và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, về mặt thực tế, tính khả thi là không cao. Lý do là những người hoạt động trước cách mạng tháng Tám đến nay đều trên dưới 100 tuổi, trường hợp có con học lớp 10 là rất hiếm gặp. "Quy định này nếu đưa ra cách đây 40-50 năm trước thì sẽ phù hợp và khả thi hơn.
Thực tế cho thấy, văn bản pháp luật ngoài việc phải phù hợp với các chính sách của Nhà nước và Hiến pháp thì còn phải đảm bảo tính khả thi. Nếu tính khả thi không cao, không áp dụng được vào thực tế thì sẽ trở nên lãng phí và không cần thiết. Do đó, Bộ GDĐT nên rà soát và bỏ quy định này. Để không bỏ lọt đối tượng người có công, thông qua dữ liệu của ngành Lao động, Thương binh và xã hội, cần thống kê, rà soát xem trên cả nước hiện còn bao nhiêu cán bộ lão thành cách mạng. Trên cơ sở đó, đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp hơn, nhân văn và có tính khả thi cao hơn", luật sư nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.