Chia sẻ với Dân Việt mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa, năm 22 tuổi, ông có yêu một cô diễn viên, hai người sàn sàn tuổi nhau. Gọi là tuổi đôi mươi, tuần cập kê nhưng cả chàng và nàng lúc đó đều đang rất non trẻ, chưa trải sự đời.
Cả hai yêu nhau mê mết như thề sống chết có nhau. Và như bao cặp đôi nam thanh nữ tú yêu nhau khác, trong giai đoạn tìm hiểu, họ rất hay đưa đón nhau đi chơi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thường đạp xe qua Cầu Giấy (Hà Nội) chở người yêu lên phố Cổ lang thang, cà phê, đàm đạo.
Một lần, chỉ vì câu hỏi hơi kém duyên, có phần thô và thật thà của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà cô diễn viên đã đùng đùng nổi giận, bỏ rơi nhà thơ giữa đường và từ mặt không gặp lại.
"Tôi vẫn nhớ, hồi đó, tôi chở cô ấy đi qua đoạn ngã tư Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn (Hà Nội) thì phải băng qua đoạn đường ray tàu lửa, xe đạp nhảy tưng tưng, cô ấy ngã lăn kềnh ra đường. Tôi mới hồn nhiên và thật thà hỏi: "Em ngồi xe đường sóc thế có bị đau mông không?". Vừa nghe tôi hỏi, cô ấy mặt hằm hằm giận dữ, nhảy xuống xe. Cô không nghĩ một nhà thơ nổi tiếng lại có thể thốt ra được những câu nói thô thiển, vô duyên như thế. Cô ấy đi thẳng một mạch về nhà không một lời từ biệt.
Hồi đó, chưa có điện thoại di động và internet như bây giờ nên không có phương tiện để liên lạc với nhau. Tôi cũng biết cô ấy không muốn gặp lại tôi nữa nên tôi không tìm đến nơi cô ấy ở.
Mãi sau này khi gặp lại, cô ấy có nói với tôi là thời đó cô ấy hơi non dại, hơi nông nổi… nếu từng trải sự đời thì cô ấy đã không phản ứng kiểu như thế. Thậm chí, cô ấy thấy tiếc vì bây giờ mong muốn nhận được sự quan tâm như thế từ người chồng hiện tại thì lại không được.
Cô ấy bảo, bây giờ đi làm về nhức mỏi toàn thân chồng cũng không thèm hỏi han, quan tâm… Thế nên cứ nghĩ đến chuyện ngày xưa là cô ấy thấy xấu hổ, ân hận và tiếc nuối. Giá hồi đó khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn thì đã không cư xử như vậy với người yêu", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thú nhận rằng, ông biết yêu rất sớm. Từ thời tiểu học, ông đã biết rung động với cô giáo. Mỗi lần lên lớp nhìn bàn tay nõn nà, trắng muốt và lưng eo của cô là ông rất thích thú. Lên cấp 2, ông cũng đã biết làm thơ để tặng "người trong mộng". Theo đó, nhà thơ có một mối tình đơn phương với cô bạn gái rất xinh trong lớp nhưng không dám thổ lộ tình cảm. Ông gọi đó là những rung động đầu đời rất đỗi hồn nhiên và trong sáng. Nhà thơ "Góc sân và khoảng trời" nói rằng, trong làng văn chương, ông không hẳn đã là người yêu sớm nhất. Ngày xưa, nhà thơ Hoàng Cầm đã có những rung động đầu tiên với bạn khác giới khi mới 8 tuổi.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng, mãi đến năm 60 tuổi ông mới gặp lại được "nàng thơ" thời cấp II của mình. Và ông đã cho người bạn gái ấy xem hết bài thơ ông viết tặng nàng mà chưa có dịp được trao gửi. Thơ rằng: "Trời mưa anh bước xuống đò/ Chỉ thương em đứng trên bờ nhìn theo/ Bờ lùi dáng nhỏ liêu xiêu/ Chiều từ ấy thành chiều nhớ Nhung".
"Lúc tôi đưa thơ cho cô ấy, cô ấy không tin, bảo: "Cậu lúc nào cũng đùa được". Cô ấy nghe xong cảm động lắm. Cô ấy bảo: "Sao ngày xưa ông không nói thẳng với tôi", tôi bảo: "Nếu ngày xưa tôi bảo thẳng là tôi thích cậu thì sẽ thế nào?". Tôi từng đưa câu hỏi này ra hỏi các sinh viên trong những buổi nói chuyện nhưng các bạn trẻ đều đưa ra đáp án sai. Có em còn bảo: "Không, không được yêu nhau ở tuổi học trò". Đâu, đây có phải tình yêu đâu, yêu gì ở lớp 1, lớp 2. Nó là sự rung động đặc biệt thôi. Ngay cả MC Phan Đăng cũng không trả lời được câu hỏi này.
Đáp án là cô ấy nói rằng: "Nếu biết ngày xưa cậu thích tớ thì tớ đã không gặp lại cậu vì muốn giữ lại hình ảnh đẹp đẽ thuở học trò. Giờ gặp lại thì đã béo ệch, xấu xí, già nua… nhìn nhau thôi đã hãi chứ không nói gì gợi lên trong nhau những cảm xúc yêu thương tuổi học trò", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng thú nhận rằng, ông từng bị nhiều người lầm tưởng là có vấn đề về giới tính, "ái nam, ái nữ" chỉ vì lấy vợ muộn quá. Yêu rất sớm, biết rung động giới tính từ năm tiểu học nhưng mãi đến 45 tuổi ông mới lấy vợ.
"Sau này nhiều người hỏi vì sao tôi lại lấy vợ muộn, tôi không phải lấy vợ muộn, mà vợ tôi… muộn lấy tôi đấy chứ. Nếu bà ấy lấy tôi sớm thì tôi lại vi phạm luật... hôn nhân. Tôi vốn là gã cầu toàn. Thông thường, người ta xây dựng gia đình rồi mới lo sắm mọi thứ, còn tôi thì chuẩn bị đầy đủ rồi mới lấy vợ. Từ mua nhà, sắm các đồ dùng, đến cả những cái li ti như: ống tăm, cái kẹp tỏi... Sắm hết mọi thứ đầy đủ rồi mới lo đến việc cuối cùng là… sắm vợ", nhà thơ Trần Đăng Khoa giải thích thêm.