Nhà văn Nguyễn Quang Thiều “kinh hoàng” trước tiểu thuyết phơi bày sự đen tối trong gia đình Việt của Phạm Thị Bích Thủy

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 25/10/2024 15:31 PM (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, càng đọc tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" của Phạm Thị Bích Thủy ông càng thấy sự kinh hoàng trong đời sống.
Bình luận 0

Chiều 24/10 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái của nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Cuốn tiểu thuyết dày 627 trang với 24 chương này đã nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết của các nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, độc giả…

Tiểu thuyết dày hơn 600 trang của Phạm Thị Bích Thủy lột trần bi kịch của một gia đình Việt- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Gia đình có bốn chị em gái" của Phạm Thị Bích Thủy. Ảnh: HTL

Tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái kể câu chuyện về gia đình ông Bình, bà Bằng với 4 cô con gái: Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An và Bảo Yên. Cả 4 người được bố mẹ đặt cho 4 cái tên thật đẹp, gửi gắm những khát vọng của mình về sự thuận hòa, yêu thương và bình an. Tuy nhiên, một bi kịch đã bao trùm lên gia đình bốn chị em gái này xuất phát từ những chênh lệch giàu nghèo và ẩn ức trong quá khứ. Chị em bỗng chốc trở thành kẻ thù không đội trời chung vì những nhỏ nhen, ích kỷ trong lối sống và lối nghĩ.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Chủ nhiệm Khoa Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, Gia đình có bốn chị em gái là "Anh em nhà Karamzov phiên bản Việt Nam". Tác phẩm này cũng kể một câu chuyện về gia đình có bốn đứa con với những bạo tàn và đen tối.

"Tác phẩm của Phạm Thị Bích Thủy là một hình ảnh phản chiếu của xã hội Việt Nam đương đại, khi mà những khái niệm về quê hương và gia đình; những quan niệm về đồng hương, về gia tộc, về trách nhiệm bị tha hóa và trở thành thuốc độc làm ô nhiễm và băng hoại xã hội đương đại, đẩy đến mức trầm kha như một căn bệnh ung thư. Người ta sẽ tìm thấy ở đây mọi vấn đề căn cốt của xã hội Việt Nam đương đại từ sự tan rã của đại gia đình đến nạn tham nhũng nhưng được lý giải từ bản chất của con người và văn hóa được coi là truyền thống", PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.

Tiểu thuyết dày hơn 600 trang của Phạm Thị Bích Thủy lột trần bi kịch của một gia đình Việt- Ảnh 2.

Cuốn tiểu thuyết "Gia đình có bốn chị em gái" của Phạm Thị Bích Thủy dày hơn 600 trang. Ảnh: DL

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định với hơn 600 trang, 24 chương, Gia đình có bốn chị em gái gây bất ngờ trước hết bởi dung lượng lớn so với những cuốn tiểu thuyết đương đại.

"Vấn đề mà tác giả đặt ra trong cuốn tiểu thuyết rất rộng. Đời sống thường nhật như được cô đọng, ép vào trang sách. Người đọc có thể đổ vỡ theo đời sống đương đại nhiều ích kỷ, hủ lậu, mưu mô, đê tiện trong tác phẩm, nhưng có khi cũng được hàn gắn những vết thương sẵn có. Bốn chị em gái đại diện cho bốn cách nhìn khác nhau về thế giới", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói. Ông khẳng định càng đọc càng thấy sự kinh hoàng trong đời sống.

Gia đình có bốn chị em của Phạm Thị Bích Thủy lột trần tật xấu trong gia đình Việt

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Gia đình có bốn chị em gái thể hiện lối viết cao tay, nghệ thuật của một nhà văn thông minh, thời thượng. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam khẳng định, nữ tác giả đã bộc lộ năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ những chất liệu đời thường.

"Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy là viết như một cách can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải đi tìm câu trả lời mà là liên tục tra vấn thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng", nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam bày tỏ. Tác giả tài tình vẽ biếm họa nhân vật thông qua hệ thống lời thoại.

Tiểu thuyết dày hơn 600 trang của Phạm Thị Bích Thủy lột trần bi kịch của một gia đình Việt- Ảnh 3.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy. Ảnh: DL

Nhà văn Di Li chia sẻ, Phạm Thị Bích Thủy rất cao tay trong việc xây logic tâm lý nhân vật và logic tình huống. Thứ mà thoạt đầu nghe có vẻ vô lý thì mỗi trang sách lại cho thấy nó rất có lý.

"Tôi cho rằng, Gia đình có bốn chị em gái của Phạm Thị Bích Thủy là một sản phẩm của năng lực hư cấu và khái quát hóa nghệ thuật từ ngồn ngộn chất liệu của vòng đời đang bủa vây chúng ta. Thành công nhất của tác giả là viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này…", nhà văn Di Li nói.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy cho biết, ái ngại khi cuốn sách có dung lượng lớn tới vậy. Tác giả nói Gia đình có bốn chị em gái có thể khiến những ông bố, bà mẹ trong xã hội phải nhìn nhận lại. Và trong cuốn tiểu thuyết cũng không có nhân vật chính diện tuyệt đối.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy sinh năm 1964. Từ 1986-2000, bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia, từng đoạt giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức.

Các tác phẩm đã xuất bản của Phạm Thị Bích Thủy là tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), tiểu thuyết Đáy giếng (2015), tập truyện ngắn Zero (2017) và tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái (2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem