Dân Việt

Tái khởi động điện hạt nhân: Vì sao Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân? (Bài 1)

Nguyễn Thịnh 27/10/2024 16:24 GMT+7
Điện hạt nhân đang được cân nhắc khởi động lại như một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, khi nhu cầu điện tăng cao và các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt.

LTS: Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng. Trước thực trạng này, điện hạt nhân được xem như một giải pháp "đáng tin cậy" để cung cấp nguồn năng lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Trong phiên họp tổ của Quốc hội ngày 26/10 về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển điện hạt nhân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Phải phát triển điện hạt nhân, thế giới người ta cũng đang làm như thế". Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Công Thương cùng các Bộ liên quan nghiên cứu để triển khai dự án trong thời gian tới nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế.

Điện hạt nhân không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phù hợp với cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, phát triển điện hạt nhân còn là một bước tiến về công nghệ, giúp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Để làm rõ tầm quan trọng và sự cấp thiết của điện hạt nhân tại Việt Nam, Báo điện tử Dân Việt đã triển khai loạt bài "Tái khởi động điện hạt nhân" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Bài 1: Vì sao Việt Nam cần phải phát triển điện hạt nhân?

Ngày 25/11/2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.

Hệ thống điện có nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn

Giải thích việc dừng dự án khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án.

Hơn nữa, Việt Nam thời điểm đó cũng tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án, chương trình quan trọng như xử lý kịp thời, cấp bách vấn đề biến đổi khí hậu...

Cho đến nay sau gần 8 năm, trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới.

Việt Nam nguy cơ thiếu điện và sự cần thiết của điện hạt nhân - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: Vĩnh Thuý

Có rất nhiều yếu tố cho thấy, việc phát triển loại hình năng lượng này là cần thiết và phù hợp ở thời điểm hiện tại, cũng như bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Thực tế, nhu cầu về điện đang là áp lực lớn đối trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh trong những năm gần đây.

Khi góp ý xây dựng Quy hoạch điện 8 cách đây 4 năm, nguyên Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Việt Nam A0 Trần Anh Thái đã đề cập đến điện hạt nhân với ưu điểm tuyệt đối trên cả 2 khía cạnh: Tích trữ năng lượng và không phát thải carbon.

Tại hè năm nay, sản lượng tiêu thụ điện liên tục đạt kỷ lục mới. Theo đó, sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc ngày 14/6/2024 đã lên tới 1,025 tỷ kWh, phá vỡ kỷ lục 1,0019 tỷ hWh được thiết lập trước đó (ngày 28/5/2024).

Theo tính toán của Bộ Công Thương, rất có thể hệ thống điện sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt công suất nguồn điện rất lớn trong giai đoạn 2026-2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện.

Năm 2023 miền Bắc cũng rơi vào tình trạng thiếu điện. Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023, miền Bắc từng thường xuyên bị mất điện. Nguyên nhân là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính bị sụt giảm huy động do hạn hán. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.

Một số liệu khác cũng cần lưu tâm, từ năm 2013, Việt Nam đã chính thức chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu. Hiện phần lớn lượng than dành cho các nhà máy nhiệt điện là nhập khẩu. Điều đó có nghĩa 36% tổng nguồn điện Việt Nam phụ thuộc vào bên ngoài. Trong khi các nguồn điện mà Việt Nam có thể chủ động được như thủy điện, nhiệt điện khí thì đều đã tới hạn.

Việt Nam nguy cơ thiếu điện và sự cần thiết của điện hạt nhân - Ảnh 2.

Công suất đỉnh hệ thống điện quốc gia (MW).

Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030, nhà máy điện khí sau năm 2035. Các nguồn điện năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời tiếp tục ưu tiên phát triển để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết tại COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.

Tuy nhiên, để làm được điện gió ngoài khơi sẽ gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí đến kinh nghiệm và hiện chỉ có một số quốc gia thành công (như Trung Quốc). Tương tự là điện mặt trời, vì công tác vận hành hệ thống điện toàn quốc gặp khó do tỷ trọng năng lượng mặt trời tăng cao nhưng lại có đặc tính không ổn định.

Trong bối cảnh thủy điện ở Việt Nam đã được khai thác gần như hết, nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường và mục tiêu giảm tác động biến đổi khí hậu (CO2), việc đưa vào hệ thống điện các nguồn điện ổn định sẽ góp phần làm tốt việc cung cấp điện năng, đảm bảo phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Đào Nhật Đình, Chuyên gia năng lượng cho biết, phát triển điện tái tạo với hai loại hình chính là điện gió và điện mặt trời là một hướng đi tất yếu, không chỉ nhằm mục tiêu giảm phát thải carbon mà còn để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của điện gió và điện mặt trời cần phải đi đôi với việc xây dựng các nguồn điện nền ổn định.

Trong bối cảnh nhiệt điện than và khí LNG phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, thủy điện và nhiệt điện khí đạt tới ngưỡng giới hạn, điện hạt nhân nổi lên như một trong số ít lựa chọn còn lại. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng khi đi vào vận hành, điện hạt nhân có thể duy trì giá thành ổn định trong thời gian dài. Đặc biệt, điện hạt nhân còn có ưu điểm không phát thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường.

Trong khi tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hồi đầu tháng 8/2024, Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh rằng, điện hạt nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản lượng điện của thế giới. Tỷ trọng của nó còn cao hơn năng lượng tái tạo. Trong khi chúng ta chỉ quan tâm tới tái tạo mà không quan tâm đến điện hạt nhân.

Ông dẫn chứng, Nhật Bản gần như khôi phục lại hoàn toàn hệ thống điện hạt nhân của họ. Nước Pháp sống chủ yếu bằng điện hạt nhân. Việt Nam nếu không đưa điện hạt nhân vào trong luật sẽ muộn và sau này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Quân, điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị dài về mọi mặt như hạ tầng, khoa học kĩ thuật, nhân lực...

Cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam đã đầu tư phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Nhưng hệ số sử dụng công suất thấp, có đặc tính không ổn định, nên sản lượng điện sản xuất ra từ các nguồn này ít hơn khoảng 4 lần so với các nguồn điện ổn định nói trên. 

Tính không ổn định sẽ làm cho hệ thống điện mất cân bằng và có thể dẫn đến sự cố, nếu mất điện sẽ làm cho các cơ sở cần dùng điện ổn định bị thiệt hại nhiều.

Đơn cử như hiện nay, Việt Nam đang hướng tới một số ngành như sản xuất chip bán dẫn, khi ấy rất cần điện năng ổn định trong thời gian dài. Ngành sản xuất chip có giá trị cao, nếu điện không ổn định, quy trình sản xuất gặp trục trặc thì thiệt hại không hề nhỏ.

Do đó, ngành sản xuất chip không thể dựa vào năng lượng tái tạo. Ngành này cũng không thể dựa vào nhiệt điện than (hay khí), vì sản phẩm sản xuất ra "chứa" nhiều carbon thì sẽ không xuất khẩu sang nước khác được, khi chính sách Carbon Foot Print - dấu chân carbon được áp dụng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân là hợp lý cho một hệ thống điện ổn định.

Giới phân tích cũng đã chỉ ra rằng, điện hạt nhân có công suất khả dụng cao nhất trong các loại nguồn điện. Đơn cử: 1 nhà máy điện hạt nhân được lắp đặt với công suất 1000 MW sẽ phát điện tới 92,5 mức công suất thiết kế. Trong khi 1 nhà máy điện khí 1000 MW chỉ có thể phát được 56,6% công suất thiết kế. Còn nhà máy điện gió và mặt trời thấp hơn nhiều (chỉ 35% và 24%). 

Điều này đồng nghĩa với việc, cùng 1 công suất lắp đặt thì 1 nhà máy điện hạt nhân tương đương với 2 nhà máy điện khí hoặc 3 nhà máy điện gió hoặc 4 nhà máy điện mặt trời. Với công suất khả dụng cao như vậy, điện hạt nhân rất cần cho mục tiêu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam xét ở vai trò bổ sung điện chạy nền ổn định để có thể phát triển điện tái tạo.

Điện hạt nhân trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng 

Xu thế của thế giới hiện nay là đang quay lại điện hạt nhân (ngoại trừ Đức) để chống biến đổi khí hậu, cân bằng phát thải CO2. Điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (tương đương điện gió, thủy điện), con số phát thải chỉ từ quá trình sản xuất chế tạo thiết bị, nhiên liệu.

Hiện nay, trên thế giới có 32 quốc gia/vùng lãnh thổ có điện hạt nhân, với trên 437 lò phản ứng, tổng công suất khoảng 390 nghìn MWe, chiếm khoảng 10% tổng lượng điện năng toàn cầu. Có 58 lò đang được xây dựng và khoảng 110 lò đang được lên kế hoạch xây dựng, tới năm 2035 số nước có điện hạt nhân sẽ tăng hơn 30% so với hiện nay, thêm khoảng 10-12 nước.

Việt Nam nguy cơ thiếu điện và sự cần thiết của điện hạt nhân - Ảnh 3.

Nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) hệ số sử dụng công suất thấp, có đặc tính không ổn định.

Nhật Bản đã khôi phục lại gần như hoàn toàn hệ thống điện hạt nhân như thời điểm trước khi xảy ra thảm họa Fukushima năm 2011. Nước Pháp với 70% sản lượng điện hạt nhân, mới đây cũng công bố đầu tư 57 tỷ đô la Mỹ để xây dựng 6 nhà máy mới xoay trục vì mục tiêu cắt giảm điện hạt nhân xuống 50% vào năm 2035. Một số quốc gia ở châu Âu lên kế hoạch tương tự. 

Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân với mục tiêu 50 nhà máy từ nay đến 2030. Xu hướng thế giới sẽ mang tới sự thuận lợi nhất định cho Việt Nam cân nhắc phát triển điện hạt nhân.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng, trên góc độ phát thải thì hiện nay điện hạt nhân được coi là "át chủ bài" trong giảm phát thải của các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, điện hạt nhân đến nay tôi cho là cần thiết. Tuy nhiên, khả thi hay không lại là chuyện khác.

Ông Phạm Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN) cho rằng, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn.

Tại Việt Nam, theo tính toán (đã có), giá thành điện hạt nhân đắt hơn nhiệt điện than nội địa, nhưng rẻ hơn nhiệt điện than nhập khẩu. Giá điện cũng rẻ hơn nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG). Các nhà máy khi đã hết tuổi thọ (ví dụ trước đây là 30-40 năm), nếu vẫn tốt và qua được đánh giá an toàn, được cấp phép tiếp tục vận hành, phát điện thì giá thành điện sẽ rẻ.

Nếu quyết định trở lại với điện hạt nhân, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình triển khai. Nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không chỉ giúp quá trình chuyển dịch năng lượng, mà phát triển điện hạt nhân còn là cơ hội để các quốc gia đột phá về khoa học công nghệ.

(Còn nữa)