Nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km, xã Phan Thanh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng thiên nhiên và kho tàng giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Đồng bào dân tộc Dao Đỏ nơi đây tích lũy được vốn y học cổ truyền từ nhiều thế hệ nên hầu như nhà nào cũng có người biết bốc thuốc chữa bệnh và đam mê với nghề này.
Ban đầu, đa số chỉ lấy thuốc chữa những bệnh thông thường cho các thành viên trong gia đình, sau đó mọi người cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Dần dần, việc bốc thuốc Nam trở thành nghề truyền thống và được truyền lại cho đến ngày nay.
Với gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề làm thuốc Nam gia truyền, ông Bàn Sành Chán, xóm Bình Đường, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đã chữa cho rất nhiều người bị dạ dày, đại tràng, rắn cắn, đường ruột…
Ngay từ khi còn nhỏ, ông được cha mẹ cho tiếp xúc với các loại dược liệu và học bốc thuốc Nam chữa bệnh theo sách ghi chép lấy về từ Trung Quốc.
Lâu dần, cách tìm những vị thuốc, công dụng, cách sơ chế, trộn dược liệu được ông ghi nhớ và hành nghề bốc thuốc đến tận bây giờ. Không thể đếm được chính xác bao nhiêu lần men theo những vách núi, lần theo những tán lá để tìm dược liệu cho một bài thuốc.
Có nhiều cây thuốc quý ở tận trong rừng sâu hoặc phải sang xã khác mới có, đôi khi phải mất nhiều chuyến đi rừng thì mới tìm đủ thuốc.
Người Dao Đỏ ở huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) tìm nhiều loại cây thảo dược khác nhau mọc hoang dưới tán rừng đem về sơ chế thành các bài thuốc Nam cổ truyền, không chỉ chữa bệnh mà còn giúp phục hồi sức khỏe.
Ông Chán chia sẻ: Nguyên liệu làm thuốc chủ yếu hái trong rừng hoặc ở ven suối, ít khi trồng sẵn. Người Dao Đỏ tìm thân, lá, vỏ cây, dây leo, củ, rễ cây… của nhiều loại cây, thảo dược khác nhau đem về sơ chế thành các bài thuốc Nam cổ truyền.
Cách phân biệt từng loại cây dựa theo hình dáng, ngoài những cây thuốc có thể gọi bằng tên, còn rất nhiều loại cây nhận dạng được nhưng không biết tên phổ thông của nó, chỉ biết chắc rằng những cây thuốc này có thể chữa được bệnh.
Mỗi bài thuốc được làm từ nhiều loại dược liệu khác nhau, do đó, đòi hỏi phải có sự kiên trì, cẩn trọng và cái tâm của người làm thuốc mới theo được nghề.
Qua tìm hiểu, thuốc nam của người Dao Đỏ về cơ bản theo quy trình chế biến thủ công: Dược liệu sau khi thu hái từ rừng về sẽ được rửa sạch và phơi khô, sau đó sơ chế theo nhiều cách như thái lát, băm chặt, cắt khúc thành những kích cỡ khác nhau tùy theo đặc điểm, tính chất của từng loại sao cho phù hợp với mục đích sử dụng nhưng vẫn giữ nguyên được chất lượng.
Sau khi đã qua sơ chế, dược liệu được đem phơi khô dưới nắng để tránh bị ẩm mốc rồi mới đến công đoạn cuối cùng là trộn dược liệu.
Người Dao Đỏ thường dựa vào thực trạng bệnh, sức khỏe, tuổi tác của bệnh nhân mà cắt thuốc Nam để chữa. Việc chế biến thuốc tùy từng loại, có vị thuốc giã nhỏ, có thuốc nấu thành cao, thuốc đắp, thuốc bột; một số vị đem đun lấy nước tắm gội, rửa như các bệnh ngứa, lở loét... Nhiều cây thuốc, vị thuốc không có tên gọi mà chỉ gọi theo công dụng chữa bệnh như: thuốc chữa đau xương, chữa đau bụng, chữa đau răng...
Với tiềm năng, lợi thế của mình, Phan Thanh là một trong những xã được chọn để triển khai chương trình phát triển du lịch trọng điểm của huyện, với mục tiêu bảo tồn, phát triển các loại thuốc nam cổ truyền của dân tộc Dao Đỏ gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát triển loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng.
Tháng 3/2024, tại xóm Bình Đường, “Cộng đồng dân tộc Dao Đỏ” tổ chức lễ ra mắt với khoảng 35 thành viên là các thầy thuốc gia truyền, cổ truyền và những thanh niên trẻ có nguyện vọng, tâm huyết lưu giữ các bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ.
Ông Bàn Đức Thắng, Chủ nhiệm Cộng đồng dân tộc Dao Đỏ xã Phan Thanh cho biết: Hiện nay, cộng đồng chúng tôi có những bài thuốc, như: trà thảo dược để uống cho mát gan, thanh nhiệt; thuốc chữa bệnh đau dạ dày, đại tràng, viêm gan B; thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi, dị ứng; thuốc chữa bệnh xương khớp, trĩ, xông sâu răng, đau thận; lá tắm cho những người bị ốm và phụ nữ sau khi sinh để phục hồi sức khỏe… Bài thuốc đang được xem xét để đưa vào sản phẩm OCOP, giúp định vị thương hiệu.
Sắp tới, sản phẩm thuốc nam cũng được đưa lên sàn thương mại điện tử để có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Hằng tháng, cộng đồng tổ chức sinh hoạt 1 lần để các thành viên gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phát triển thuốc Nam cổ truyền dân tộc Dao Đỏ.
Thống nhất mỗi hộ gia đình sẽ trồng vườn thuốc nam, nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa những cây thuốc trên rừng về trồng tại vườn nhằm nhân giống, phát triển nguồn dược liệu tự nhiên, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.
Tận dụng các loại cỏ cây, lá rừng trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh cứu người là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Dao Đỏ, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Ngoài các bài thuốc cổ truyền, cộng đồng còn giới thiệu, quảng bá và đưa các sản phẩm của xã ra ngoài thị trường để nhiều khách hàng biết đến như: trứng gà ta, chè ô long, miến dong xóm Bản Chiếu và xóm Tài Soỏng; lợn đen, cá nước sạch xóm Pác Cai, mận máu xóm Phúng Hò… Ngoài ra, còn có trang phục truyền thống Dao Đỏ, các sản phẩm thêu thổ cẩm thủ công, cho thuê trang phục chụp ảnh, checkin…
Chị Phùng Mùi Viện, Cộng đồng người Dao Đỏ xã Phan Thanh cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ làm thuốc để chữa bệnh cho gia đình và bà con dân bản.
Hiện nay, sản phẩm thuốc Nam có nhiều cải tiến, hình thức đóng gói chuyên nghiệp hơn nên ngày càng tiếp cận rộng rãi với thị trường, trở thành hàng hóa và được tiêu thụ ở nhiều nơi. Nhờ đó, chúng tôi có thêm nguồn thu nhập bên cạnh nghề làm nông nghiệp, đời sống ngày càng cải thiện.
Khác với những loại thuốc Tây hiện nay, thuốc Nam được cho là lành tính, ít tác dụng phụ, phù hợp với nhiều thể trạng người bệnh, có công dụng chữa bệnh hiệu quả, giúp nâng cao sức khỏe, khả năng phục hồi cơ thể.
Ngày nay, những bài thuốc Nam của người Dao Đỏ ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ được sử dụng để chữa bệnh, những bài thuốc Nam còn được nhiều người lựa chọn uống hằng ngày như một loại thuốc bổ để tăng cường sức khỏe.
Lớn lên cùng núi rừng, tận dụng các loại cỏ cây, lá rừng trong tự nhiên để làm thuốc chữa bệnh cứu người là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn của đồng bào dân tộc Dao Đỏ nơi đây. Những bài thuốc Nam cổ truyền không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn sinh kế của các hộ gia đình người Dao Đỏ.
Thế nhưng, để bảo tồn nghề thuốc Nam cổ truyền của đồng bào Dao Đỏ, từng bước tạo dựng thương hiệu, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền để phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc quý, mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.