Chia sẻ với PV báo Dân Việt, GS Lê Anh Vinh - Giáo sư trẻ tuổi nhất được công nhận năm 2020 - kể lại câu chuyện vui vẻ nhưng vô cùng thực tế, ý nghĩa về cách dạy con của bản thân cũng như các phụ huynh hiện nay.
Anh chia sẻ: "Có lần tôi nói chuyện với phụ huynh. Một anh đặt câu hỏi "Năm ngoái con tôi học tiểu học tôi còn giúp cháu được. Nhưng bây giờ cháu học lớp 6, chương trình nhiều nội dung mới quá, tôi không giúp được cháu thì phải làm thế nào?".
Tôi trả lời "Em có hai ý muốn chia sẻ với anh. Một là chúc mừng anh vì anh không phải học chương trình này mà là cháu học. Hai là mình thấy mới và khó nhưng đối với cháu thì không có sự so sánh đó nên anh cứ yên tâm là cháu sẽ học được. Trách nhiệm của phụ huynh không phải là làm bài giúp con nên anh chị đừng bị "áp lực".
GS Lê Anh Vinh hài hước lấy luôn dẫn chứng về nhà mình: "Con gái tôi hỏi bài tôi. Tôi tìm trên YouTube rồi cho tự con tìm hiểu. Tuy bị con gái chê hơi phũ "Eo ơi, bố tốt nghiệp top 3 trường mà không biết làm bài lớp 8". Nhưng mà do con nói... đúng nên không sao".
Nội dung trên được anh chia sẻ trên trang cá nhân và nhận được nhiều bình luận đồng tình với quan điểm của anh. Giáo sư quan điểm rằng, việc học là của con và trách nhiệm của phụ huynh không phải là làm bài giúp con mà hướng dẫn, gợi ý cho con tự làm bài.
Trước đó, anh đã từng chia sẻ với báo chí rằng, trẻ con bây giờ rất giỏi, làm toán rất nhanh, hơn ngày xưa nhiều. "Tuy nhiên, tôi từng hỏi các em học sinh tiểu học rằng các con học toán thì thích nhất bài toán nào? Ít bạn trả lời được lắm. Vậy là các bạn không cảm thấy yêu thích, dù trong đó có những bạn học rất giỏi.
Nhưng có một bạn học sinh lớp 3 đã trả lời rằng con thích nhất bài toán trung bình cộng vì nó giúp con biết con đang ở đâu so với các bạn, biết bạn nào thiệt thòi hơn để giúp đỡ, chia sẻ với bạn. Nghe câu trả lời ấy sẽ khiến những người thầy, người cô phải suy nghĩ.
Khi chúng ta dạy trẻ con, chúng ta có nói với trẻ ý nghĩa của phép chia là chia sẻ chứ không chỉ là chia phần hay không? Hay nó đơn giản chỉ là một phép tính? Trẻ con có thể thực hiện phép chia rất nhanh, nhưng điều đó có quan trọng hay không? Khi một đứa trẻ hiểu rằng phép chia không phải là chia phần, hay chỉ đơn giản là một phép tính, mà nó còn có ý nghĩa là sự chia sẻ, thì đấy mới là ý nghĩa của việc học toán. Đối với tôi, việc trả lời câu hỏi "tại sao" quan trọng hơn câu hỏi "cái gì" hay "như thế nào". Nếu không hiểu tại sao và ý nghĩa của việc mình làm thì khó có thể đi được đến tận cùng lắm.
Trước đó, dù bận rộn với công việc của một người làm quản lý tại Viện Khoa học giáo dục, GS Lê Anh Vinh vẫn dành thời gian lên ý tưởng viết sách cho thiếu nhi cùng các cộng sự. Anh chia sẻ: "Đọc sách cùng con đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đầu đời của trẻ và nên đọc truyện cổ tích vì cổ tích có tính nhân văn rất cao, có giá trị trường tồn qua bao thế hệ. Tôi tin rằng đứa bé được nuôi dưỡng bằng những truyện cổ tích thì khi lớn lên trẻ sẽ thành người tốt. Nhiều khi tôi nói với con rằng con không được làm việc này, không được làm việc kia không có tác dụng, nhưng lại có thể dạy con những bài học cuộc sống qua truyện cổ tích.
Cũng như Toán học, truyện ngụ ngôn từ nhỏ đã là một phần không thể thiếu trong tôi. Là cha của hai cô con gái tuổi đi học, tôi hiểu rằng các bậc cha mẹ mỗi ngày nên có một khoảng thời gian chất lượng bên con. Và điều tốt nhất tôi có thể làm đó là lồng ghép hai sở trường của mình để cùng con khám phá toán học qua các câu chuyện ngụ ngôn".
GS.TS Lê Anh Vinh sinh năm 1983, là cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, giành huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế năm 2001; tốt nghiệp thủ khoa Toán - Tin học tại Đại học New South Wales (Australia); lấy bằng tiến sĩ Toán học tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ).
Khi trở về nước, anh công tác tại Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Khoa học Giáo dục. Năm 2017, anh Vinh được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và năm 2020 anh được giao phụ trách Viện.
Anh Lê Anh Vinh từng được bổ nhiệm phó giáo sư năm 30 tuổi. Ông là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2013 do Thành đoàn Hà Nội công bố.