Dân Việt

Nông dân Thủ đô liên kết chăn nuôi an toàn, được nhà hàng, siêu thị mua hết

Thiên Ngân 30/10/2024 10:35 GMT+7
Trung bình mỗi ngày, chuỗi sản xuất của HTX cung cấp ra thị trường TP Hà Nội khoảng 0,5 tấn thịt lợn an toàn. Hiện doanh thu của HTX đạt khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận sau thuế khoảng 12-15%, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Nông dân Thủ đô liên kết chăn nuôi an toàn, được nhà hàng, siêu thị mua hết - Ảnh 1.

Từ năm 2001, ông Đặng Đình Tiên – Giám đốc Công ty CP Tiên Viên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) đã đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà đẻ trứng với diện tích 10ha, quy mô 71.300 con gà. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm trứng với công suất 200.000 quả/ngày; sử dụng thức ăn sản xuất theo công nghệ Hà Lan. Hằng tháng, công ty cung cấp cho các công ty, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài thành phố khoảng 2 triệu quả trứng và hơn 2 tấn thịt gà.

Ông Đặng Đình Tiên cho biết, từ mô hình chăn nuôi gia cầm của công ty, đến nay ông đã phát triển được một chuỗi liên kết gồm 20 trang trại ở địa bàn huyện Chương Mỹ, với tổng đàn gà 200.000 con, chủ yếu là gà đẻ trứng và gà giống. Vì vậy chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gà, lấy thương hiệu trứng sạch Tiên Viên cũng đang được xem là một trong những mô hình điển hình trong chuỗi liên kết chăn nuôi hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm từ A – Z, với tổng doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 35 lao động thường xuyên trong chuỗi.

Hướng tới chăn nuôi bền vững, ông Tiên cho biết, đến nay trang trại đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao, gồm: Trứng gà sạch Tiên Viên, trứng gà quê Tiên Viên, trứng chim cút Tiên Viên... Ông Tiên dự định thời gian tới sẽ phát triển thêm mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái tuần hoàn gắn với du lịch, nhằm tận dụng hết toàn bộ chất thải từ chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sạch…

Nông dân Thủ đô liên kết chăn nuôi an toàn, được nhà hàng, siêu thị mua hết - Ảnh 2.

HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) đã xây dựng được chuỗi chăn nuôi khép kín từ đầu vào tới đầu ra, cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh: HTX

Theo Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, ngoài mô hình chuỗi chăn nuôi gia cầm của Công ty CP Tiên Viên, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, gồm: 5 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm; 7 xã có khu chăn nuôi tập trung rộng 114,8ha, với 203,5 nghìn con lợn; 6,2 triệu con gia cầm; 13,1 nghìn con trâu, bò...

Ngoài ra, huyện Chương Mỹ còn có 583 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và là một trong những địa phương có nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty thức ăn chăn nuôi lớn, như: CP, Japfa... (khoảng hơn 100 trang trại). Đáng chú ý, hàm lượng áp dụng công nghệ cao tại các trang trại này ngày càng cao, không chỉ giúp tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp các trang trại kiểm soát được chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Từng trải qua nhiều thất bại trong chăn nuôi lợn, tháng 8/2014, anh Nguyễn Đình Tường (xã Cấn Cữu, huyện Quốc Oai) có cơ hội trở thành 1 trong 36 hộ chăn nuôi điển hình của TP được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội mời tham gia dự án nuôi lợn bằng cám sinh học. Lúc đó, gia đình anh Tường được hỗ trợ 30 con lợn giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, kết quả đạt được vô cùng khả quan. 

Nhằm tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa đem lại giá trị kinh tế, năm 2016, anh Tường đã đứng ra thành lập HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. Ban đầu, HTX thu hút 15 hộ chăn nuôi ở địa bàn xã tham gia, quy mô 100 lợn nái, hơn 1.000 lợn thịt. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, sau đó là dịch Covid làm đứt gãy chuỗi tiêu thụ, HTX cơ cấu lại chỉ còn 10 thành viên tham gia, quy mô chăn nuôi trên 1.500 con lợn thịt. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, HTX đã đầu tư cơ sở giết mổ công suất 20 con/ngày cùng dây chuyền chế biến thịt lợn thành các sản phẩm như xúc xích, giò, chả và được ngành chức năng huyện Quốc Oai cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện HTX có 7 hộ chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học, 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị.

Kiên trì đi theo con đường chăn nuôi an toàn sinh học, HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã xây dựng thành công thương hiệu "Thịt lợn sinh học Quốc Oai" với 3 sản phẩm chủ lực: Thịt lợn sinh học, giò lợn sinh học và xúc xích lợn sinh học. Các sản phẩm này đã được công nhận đạt chuẩn 4 sao OCOP của TP. Hà Nội. 

Nông dân Thủ đô liên kết chăn nuôi an toàn, được nhà hàng, siêu thị mua hết - Ảnh 3.

Các sản phẩm chủ lực của HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: HTX

Anh Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm cho biết, quy trình chăn nuôi của HTX được khép kín từng giai đoạn, từ việc tạo ra nguồn con giống đảm bảo chất lượng đến nuôi dưỡng, giết mổ, sơ chế, đóng gói, chế biến đều do HTX đứng ra đảm nhiệm.  

Hàng tháng HTX đều gửi mẫu sản phẩm đi phân tích để kiểm tra chất lượng thịt, đảm bảo không tồn dư kháng sinh và truy xuất được nguồn gốc. Nhờ cẩn thận như thế nên HTX tự tin xây dựng giá bán riêng biệt cho sản phẩm, thường cao hơn giá thị trường khoảng 25-30%.

Trung bình mỗi ngày, chuỗi sản xuất của HTX cung cấp ra thị trường TP Hà Nội khoảng 0,5 tấn thịt lợn an toàn. Hiện doanh thu của HTX đạt khoảng 1,5-1,8 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận sau thuế khoảng 12-15%, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. 

“Nhờ đầu tư thêm khâu chế biến, chúng tôi đã chủ động được sản phẩm và có đầu ra ổn định cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để chúng tôi duy trì chăn nuôi, vượt qua hết "bão" giá lợn rồi đến "bão" dịch bệnh thời gian qua”, anh Tường chia sẻ. 

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố đang có 159 chuỗi liên kết trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ có các chuỗi liên kết này, người nông dân, HTX và doanh nghiệp đã gặp được nhau, đảm bảo về sản lượng, chất lượng cũng như giá bán, lợi nhuận cao hơn 10 - 15% so với làm ăn kiểu cá thể. Cũng nhờ có các chuỗi mà các cơ quan chuyên môn nhà nước có thể quản lý được hiệu quả nông nghiệp bởi dễ dàng truy xuất được nguồn gốc cũng như có thể áp dụng các công cụ hiện đại 4.0.

"CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN"