Dân Việt

Áp dụng mô hình nhóm huấn luyện – TWI: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp

Hà My 29/10/2024 17:13 GMT+7
Mô hình nhóm huấn luyện – TWI tập trung đầu tư vào con người, giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực sẵn có nhằm đảm bảo sản lượng, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng, rút ngắn thời gian giao hàng, tối ưu chi phí và tạo môi trường làm việc hài hòa.

TWI được biết đến là hình thức đào tạo tại doanh nghiệp với các chương trình huấn luyện kĩ năng thiết yếu cho các cấp giám sát viên. Trong khi các doanh nghiệp trên thế giới coi đào tạo như một chiến lược đầu tư quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh thì có nhiều doanh nghiệp Việt Nam coi đào tạo như một khoản chi phí cắt giảm càng nhiều càng tốt.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có chiến lược đào tạo gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Kế hoạch đào tạo hàng năm cũng không có, hoặc có thì cũng rất sơ sài, hình thức. Bức tranh trong nhiều doanh nghiệp hiện nay là: lãnh đạo chưa thực sự quan tâm đến công tác đào tạo, cán bộ phụ trách đào tạo không có, hoặc có thì cũng thiếu năng lực, kinh phí đào tạo quá hạn hẹp, không xác định được nhu cầu đào tạo của nhân viên, không có các biện pháp triển khai kế hoạch đào tạo, không đánh giá được hiệu quả của công tác đào tạo.

img

Trong cơ cấu lao động của một doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ khung chỉ chiếm 5% đến 10%. Tuy nhiên, xu hướng thích vào đại học của học sinh hiện nay đã khiến thị trường lao động không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông mà còn khan hiếm cả đội ngũ lao động kỹ thuật. Thực tế là các vị trí quản lý cấp trung thường được lấy từ nguồn nhân sự lâu năm, lành nghề. Khi được cất nhắc vào vị trí quản lý, chịu trách nhiệm về kết quả công việc của người khác, những người quản lý này sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu các kỹ năng cần thiết của người quản lý. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp không nhận thức được điều này. Lãnh đạo doanh nghiệp thường cho rằng, khi được cất nhắc vào vị trí quản lý, tăng lương, tăng quyền hạn và trách nhiệm là đương nhiên người quản lý phải biết "quản lý công việc và nhân viên".

Theo kinh nghiệm của những nhà quản trị thành công, các doanh nghiệp thành công, vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn vốn con người là cái gốc của mọi vấn đề. Trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động tại doanh nghiệp Việt Nam, sự thiếu coi trọng con người được xác định là nguyên nhân cốt lõi nhất. Đa phần ý kiến của giới chuyên môn cho rằng, nếu không gỡ được vấn đề này thì trong tương lai, khủng hoảng hay thiếu hụt lao động vẫn cứ đeo đuổi doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp nên xác định đúng vai trò của nhân lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không nên chạy theo "cơn sốt ảo" về thiếu lao động mà phải đặt vấn đề là, hiện nay mình đã sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hay chưa, và triển khai đào tạo nhân lực tại doanh nghiệp theo yêu cầu… để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào khu vực và kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh chóng. Sự phát triển này đã và đang đặt ra vấn đề thu hút và tuyển dụng nhân sự chất lượng cho doanh nghiệp. Ngoài việc cần phải có nguồn nhân sự có chất lượng tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo bổ sung cho các đơn vị, phòng ban trực thuộc, cần có được đội ngũ công nhân viên lành nghề. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để tăng năng suất, chất lượng, giảm lãng phí, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển thương hiệu để hội nhập.

Mỗi doanh nghiệp lại phát triển với một đặc thù văn hóa riêng biệt, hệ thống quản lý khác biệt, các bí quyết kinh doanh, sản xuất cũng khác, tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Do đó, đặt ra vấn đề thích ứng với môi trường doanh nghiệp cho nhân sự được tuyển dụng. Vì vậy, việc đào tạo, hướng dẫn ngay từ đầu về văn hóa công ty, về công việc, về quyền hạn và trách nhiệm của từng vị trí công việc sẽ giúp ứng viên được tuyển dụng nhanh chóng thích nghi và phát huy hiệu quả trong công việc. Việc khai thác được kiến thức, bí quyết của nhân sự lâu năm, truyền cho các thế hệ kế tiếp trong doanh nghiệp tạo nên sự phát triển bền vững. Điều này chính là đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp Nhật Bản thành công.

Với thực trạng trên, rất cần áp dụng một mô hình đào tạo huấn luyện hiệu quả như Mô hình nhóm huấn luyện - TWI nhằm thay đổi phương thức và hiệu quả đào tạo cho doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới.