Trước và sau các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, cử tri các tỉnh thành đã có nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó không ít đề xuất liên quan tới lĩnh vực giáo dục. Một trong những nội dung cử tri rất quan tâm đó là giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.
Sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, cử tri các tỉnh Bình Định và Lào Cai có kiến nghị tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Theo đó, cử tri bày tỏ, giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và có sức khỏe để đảm bảo tốt việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát. Đồng thời, các cô phải tự làm các mô hình, công cụ để phục vụ việc dạy học cho các cháu. Do đó, việc tăng tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non lên 60 tuổi là chưa phù hợp. Qua kiến nghị, cử tri mong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, rà soát, sớm xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt. Trong đó, có việc quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng các ngành nghề đặc biệt.
Ngoài ra, cử tri đề nghị xem xét quy định cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm ít nhất 5 năm so với quy định chung về tuổi nghỉ hưu tại Bộ Luật lao động năm 2019. Phương án phù hợp là đối tượng này nghỉ hưu ở tuổi 55.
Trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hải Phòng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sau 55 tuổi đối với giáo viên mầm non bởi đây là công việc rất áp lực, đòi hỏi giáo viên phải có sức khỏe mới làm được.
Cử tri Đắk Lắk mới đây đã có kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đề nghị xem xét bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ đối tượng làm việc trong ngành, nghề này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành, nghề.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GDĐT cho biết, đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, Bộ Luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định. Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cũng như viên chức và người lao động thực hiện theo quy định này.
Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GDĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ LĐTBXH bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên mầm non (Công văn số 6586/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 15/12/2022 góp ý dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.
Bộ GDĐT cho biết thêm, hiện tại, dự thảo Luật Nhà giáo (Bộ GDĐT được giao nhiệm vụ xây dựng) đăng tải trên cổng thông tin Bộ GDĐT và cổng thông tin Chính phủ đã đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định hiện nay (tức 55 tuổi).
Chia sẻ với Dân Việt, cô Nguyễn Thị Yến Oanh, giáo viên mầm non tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho biết, đến nay, cô đã có gần 30 năm gắn bó với nghề "dỗ trẻ". Cô Oanh rất mong mỏi được giảm tuổi nghỉ hưu vì ở độ tuổi này, cô cảm thấy mình không còn năng động như trước.
"Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ 7h và kết thúc vào khoảng 17h sau khi trả trẻ xong. Đến nay sau gần 30 năm liên tục với công việc đi sớm về muộn, tôi cảm thấy cơ thể mình không còn dẻo dai như trước. Nhiều hôm đau nhức xương khớp chỉ mong muốn hết giờ làm việc. Tuổi này tôi cũng cảm thấy bản thân khá ì trệ, sau 55 tuổi chúng tôi đâu thể múa hát, vận động liên tục được", cô Oanh chia sẻ.
Một giáo viên mầm non ở Hà Nội cho biết, giáo viên mầm non là công việc không chỉ đòi hỏi sức khỏe tốt mà phản xạ nhanh. Hàng ngày, các cô phải tổ chức hoạt động dạy dỗ trẻ, múa hát, vận động, chăm sóc ăn ngủ, vệ sinh, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho trung bình khoảng 30 trẻ dưới 6 tuổi trong suốt thời gian từ 8-10 tiếng. Với cường độ công việc và thời gian làm việc như vậy, giáo viên sau 55 tuổi sức khỏe không còn đảm bảo, rất khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ, đó là chưa kể, giáo còn phải "tận dụng" thời gian rảnh để làm đồ để dạy học, tham gia các hoạt động tập thể, hội thi…
"Tôi cũng mong được góp tiếng nói gửi tới Chính phủ và các cơ quan, ban ngành việc giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non xuống 55 và với đặc thù nghề nghiệp vất vả như vậy, hy vọng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại", cô giáo này nói.
Thực tế, nhiều năm qua, giáo viên mầm non đã đề nghị được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định chung tại Bộ Luật Lao động.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy và kết quả thăm dò trong năm 2020 cho thấy, có tới 96% người chọn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, chỉ 4% chọn tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.
Về đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55, chia sẻ với báo chí, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ GDĐT cho biết, thứ nhất việc quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non sớm 5 năm đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của đội ngũ giáo viên mầm non.
Thứ hai, việc nghiên cứu như vậy cùng với các cơ sở khoa học khác đồng thời khẳng định việc giáo viên nghỉ hưu ở tuổi 55 là đáp ứng được, phù hợp với sức khỏe và điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên mầm non, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
"Khi các cô ở độ tuổi cao như vậy thì việc vận động theo các cháu cũng khó khăn, thậm chí nhìn thấy cháu ngã, nhưng không thể kịp phản ứng để đỡ các cháu và có thể gây mất an toàn đối với trẻ", TS Vũ Minh Đức nhận định.