23% công việc sẽ biến đổi vào năm 2027: Chuyên gia khuyên "trường học là nơi an toàn để mắc lỗi"

Tào Nga Thứ hai, ngày 28/10/2024 20:04 PM (GMT+7)
Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho gần 1.000 sinh viên trong bối cảnh tương lai có 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027 và khoảng 14 triệu việc làm sẽ mất đi.
Bình luận 0

Báo cáo Tương lai Việc làm năm 2023 (Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027 và khoảng 14 triệu việc làm sẽ mất đi. Trong khảo sát EY 2024 Work Reimagined Survey (tạm dịch: Khảo sát Tái hình dung Công việc năm 2024 của EY) tiến hành tại 23 quốc gia trên toàn cầu cũng cho thấy hình dung về sự nghiệp, công việc, nơi làm việc đã thay đổi đáng kể so với nhận thức trước đây. 

23% công việc sẽ biến đổi vào năm 2027: Chuyên gia khuyên "trường học là nơi an toàn để mắc lỗi"- Ảnh 1.

3 khách mời trong tọa đàm “Định hình tương lai: Học hỏi, Thích nghi, Dẫn dắt”. Ảnh: NEU

"Trường đại học là nơi để phạm sai lầm và thất bại"

Chia sẻ về việc dạy và học trong bối cảnh việc làm mới tại tọa đàm “Định hình tương lai: Học hỏi, Thích nghi, Dẫn dắt” diễn ra sáng 28/10, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Nhà trường đang hướng tới việc đào tạo ba nấc, giúp các em "Hiểu", "Vận dụng" và có "Khả năng phân tích đánh giá". Học tốt, không chỉ là nhớ được nội dung thầy cô đã giảng mà còn hiểu, luôn đặt ra câu hỏi tại sao, tự hỏi mình đã hiểu chưa, thực tiễn sẽ diễn ra thế nào. Tự soi chiếu bản thân giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất vấn đề.

Sinh viên đừng ngại ngần nếu thấy mình chưa rõ, chưa hiểu để hỏi bạn, hỏi thầy cô. Mái trường đại học là một nơi rất an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại. Nếu các em thất bại trong trường, cái giá phải trả là gì? Là sự thành công, sự trưởng thành của các em. Đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Ra trường rồi mới phạm sai lầm thì giá phải trả sẽ rất đắt. Do đó, tôi khuyến nghị các em tập trung nghe giảng, đọc tài liệu, học để hiểu bản chất vấn đề, có khả năng soi chiếu vào thực tiễn và phân tích, đánh giá vấn đề.

Về kỹ năng, trường cũng tạo điều kiện tốt cho các em rèn luyện. Không thể có kỹ năng bằng đọc sách, đọc giáo trình mà phải thực chiến. Thầy cô có thể hỗ trợ một phần như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều kỹ năng khác các em hải học để sẵn sàng trong tương lai. Hãy cháy hết mình, làm hết sức có thể, đừng toan tính sẽ thấy mình trưởng thành lúc nào không biết".

Học thế nào để tương lai thành công?

Ông Trần Phú Sơn, Tổng Giám đốc EY Việt Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng sự học của chúng ta cũng như cuốn sách giáo khoa, phải có nền tảng ban đầu, first edition - phiên bản đầu tiên, sau đó phải tiếp tục cập nhật quyển sách đó: kiến thức mới, kỹ năng mới, công nghệ mới. Ngoài việc học phải áp dụng. Sách giáo khoa chỉ là nền tảng ban đầu để học, còn tất cả các phiên bản sau là ứng dụng. 

23% công việc sẽ biến đổi vào năm 2027: Chuyên gia khuyên "trường học là nơi an toàn để mắc lỗi"- Ảnh 2.

Sinh viên hào hứng đặt ra các câu hỏi cho khách mời. Ảnh: NEU

Khó nhất bây giờ là làm thế nào để các em thực sự học. Phải nói thật là học không vui lắm, tôi cũng vậy, xem Youtube, Tiktok và xem phim thích hơn. Bởi vì học khó nên chán nhưng cái gì khó, gai góc sẽ làm chúng ta nhớ lâu. Một khi đã học rồi nó sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi.

Việc học đòi hỏi việc phải rất kỷ luật - lúc nào học, học cái gì. Nếu mỗi ngày chúng ta dành 15 phút để thực sự học, đến năm 30 tuổi, năm chúng ta tương đối trưởng thành, chúng ta đã đâu đó có khoảng 1.000 giờ để học một cái gì đó rất thấu đáo".

Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam: "Từ kinh nghiệm cá nhân trong việc học cũng như đi làm, tôi khuyến nghị các em mỗi ngày dành 10 - 15 phút ghi lại những gì chúng ta học được, những gì làm được, chưa làm được. Đó là một thói quen rất quan trọng. Khi viết vào cuốn sổ cũng là khi chúng ta viết vài bộ não mình. Thực hành như vậy, giúp chúng ta nghĩ sâu, nghiền ngẫm, chúng ta nhớ được".

Yếu tố nào quan trọng nhất khi tham gia thị trường lao động?

Cũng trong tọa đàm, ông Long đưa ra câu hỏi cho các sinh viên: "Theo các em yếu tố nào quan trọng nhất để sẵn sàng tham gia thị trường lao động? Kiến thức chuyên môn, kỹ năng hay thái độ?".

Trả lời câu hỏi này trong vòng 30 giây, 231 bạn cho rằng thái độ, hành vi là quan trọng nhất; 132 bạn cho rằng kỹ năng là quan trọng nhất và 95 bạn cho rằng kiến thức là quan trọng nhất.

Ông Long cho hay: "Khi đi học, năng lực chia thành 2 loại: Hành vi và chuyên môn. Khi đi làm, doanh nghiệp phân năng lực thành 3 loại: lãnh đạo, chuyên môn và cốt lõi.

Khi còn là nhân viên mới, năng lực chuyên môn đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định 70 – 80% đến thành công trong công việc. Nhưng càng lên các vị trí cao hơn, như quản lý cấp trung và quản lý cấp cao thì năng lực hành vi càng có vai trò quan trọng hơn. Những người lãnh đạo là những người có năng lực hành vi rất mạnh.

Qua khảo sát của EY với một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với trên 20.000 lao động, các năng lực hành vi doanh nghiệp này yêu cầu đối với nhân viên đầu tiên là ý thức trách nhiệm với công việc rồi lần lượt là: Tư duy phân tích và khả năng thực thi; Tính sáng tạo trong công việc; Năng lực lãnh đạo; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng tin học; Kỹ năng ngoại ngữ…".

"Có một thông điệp tôi mong muốn các em biết, khi chọn một chuyên ngành rồi phải kiên định với nó, nghiên cứu sâu về nó. Đừng bị áp lực đồng trang lứa, thấy cái này cái nọ hay hơn thì thay đổi. Ví dụ, cách đây 5 năm các bạn ra trường rất thích làm marketing cho doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán nhưng vừa rồi thị trường thoái trào, rất nhiều nhân sự phải nghỉ việc, phải chấp nhận thay đổi.

Nhìn trong tương lai chúng ta sẽ thấy rất nhiều ngành nghề có vẻ sang trọng. Ví dụ cách đây 3-4 năm chúng ta ào ào học về data. 2 năm vừa rồi nhân sự chuyên sâu về data đang bị thất nghiệp vì đủ rồi. Tại Việt Nam, cách đây 3 năm, các bạn làm IT rất đắt hàng, lương cao. Nhưng giờ nhiều bạn làm IT đang thất nghiệp.

Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy đừng vội vàng chạy theo trào lưu, hãy tự tin, kiên định, đào sâu một con đường mình đã chọn để trở thành người chuyên nghiệp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem